Tổng thống Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử tại Trung tâm Hội nghị Phoenix ở Phoenix, Arizona (ảnh: Gage Skidmore/ Flickr). |
Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Forbes ngày 12/8, nhà nghiên cứu Olivia Enos tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Quỹ Di sản đã chỉ ra 3 lý do Hoa Kỳ cần ưu tiên vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ với Trung Quốc.
“Hành động giam giữ khoảng 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo chính trị cũng như phá hoại tự do ở Hồng Kông cho thấy ĐCSTQ đang đặt mục tiêu củng cố quyền lực và thúc đẩy lợi ích của chính nó lên trên lợi ích của người dân Trung Quốc”, bà Enos nhận định.
Nhà nghiên cứu cho rằng: “Các hành động hung hăng của Bắc Kinh cần được đáp lại bằng một phản ứng mạnh mẽ”.
Bà nêu ba lý do chủ chốt khiến Hoa Kỳ nên thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền như một phần trong chiến lược đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc:
Thứ nhất, thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc tạo tiền đề cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Hoa Kỳ.
Bà Enos cho rằng: “Chính quyền Trung Quốc đã trơ trẽn khi nhắm mục tiêu vào các giá trị phổ quát và lợi ích của Hoa Kỳ”.
Nhà nghiên cứu chỉ ra sự vô lý trong luận điệu của Bắc Kinh khi nói rằng việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại xuất khẩu công nghệ giám sát và mô hình cai trị tương tự sang các quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Châu Á và hơn thế nữa.
Bà Enos cho rằng sự vô lý đó cho thấy Bắc Kinh không thể lập luận rằng những vi phạm nhân quyền đó là “vấn đề nội bộ”.
Người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, trong đó có tờ biểu ngữ ghi “Tổng thống Trump, xin hãy giải phóng Hồng Kông” (Studio Incendo/ Flickr). |
Nhà nghiên cứu Enos cũng nêu ra một ví dụ tương tự, đó là việc Bắc Kinh tuyên bố những gì họ làm ở Hồng Kông là vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia Hồng Kông và tự cho mình thẩm quyền chế tài đối với bất kỳ ai trên thế giới bị coi là “phá hoại an ninh Hồng Kông”. Điều đó cho thấy việc phá hoại nền dân chủ Hồng Kông không phải là vấn đề nội bộ như Trung Quốc tuyên bố.
Thứ hai, Bắc Kinh không xem mối quan ngại về nhân quyền là ngoại vi mà là trung tâm.
Bà Enos cho rằng chính quyền Trung Quốc đặt ưu tiên hàng đầu cho việc gia tăng đàn áp tại Hồng Kông và Tân Cương, vì đó đều là những nơi có thể đe dọa quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đối với Hồng Kông, Bắc Kinh tuyên bố việc nhanh chóng thực thi luật an ninh quốc gia mới nhằm đối phó với các cuộc biểu tình năm 2019, trong đó có hàng triệu người Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ. “Chính quyền Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi những luận điệu về dân chủ và tự do. ĐCSTQ bị uy hiếp bởi chính người dân trong nước”, bà Enos nhận định.
Bà cho rằng, nếu chính phủ Hoa Kỳ coi nhẹ tình trạng đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ có những phản ứng yếu ớt và bỏ lỡ cơ hội áp dụng các công cụ liên quan trong bộ công cụ chính sách đối ngoại của mình.
Một cuộc biểu tình ở Washington phản đối cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ vào tháng 7 năm 2009 (ảnh: Malcolm Brown/ commons.wikimedia). |
Bà Enos cho rằng: “Thật may là trong vài tháng qua, Hoa Kỳ đã nhận ra những điểm yếu của chiến lược đối với Trung Quốc khi bỏ qua các giá trị” con người. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã tăng cường ứng phó với những vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, trừng phạt Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc, và các thành viên khác của ĐCSTQ, áp đặt biện pháp trừng phạt lên Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức do ông Trần Toàn Quốc đứng đầu.
Hoa Kỳ cũng đáp trả một cách mạnh mẽ khi thu hồi chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông, thậm chí trừng phạt Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam và những người khác vì làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Những động thái này cho thấy các ưu tiên chính sách của Hoa Kỳ đang xoay quanh vấn đề nhân quyền, bà Enos nhận định.
Thứ ba, thúc đẩy nhân quyền giúp giảm bớt sự đau khổ cho người dân Trung Quốc.
Trong khi chính phủ Trung Quốc nhanh chóng xói mòn, từ bỏ và vi phạm trực tiếp các quyền của người dân Trung Quốc, thì Mỹ nên sẵn sàng bảo vệ và giữ gìn quyền của họ, ngay cả khi chính phủ của họ không mong muốn, theo ý kiến của bà Enos.
Nhà nghiên cứu viết: “Có thể thấy trong những ngày đầu bùng phát COVID-19, chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội dân sự như Samaritan’s Purse, đã cung cấp mặt nạ và vật dụng cho những người dân thống khổ ở Vũ Hán. Hoa Kỳ cung cấp hỗ trợ không phải chỉ để xây dựng hình ảnh với thế giới, mà để giúp đỡ một cách thiết thực ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào Hoa Kỳ có thể”.
Bà cho rằng: “Chính sách của Hoa Kỳ cũng nên tìm cách tăng cường tiếng nói của người dân Trung Quốc. Tiếng nói của họ phải được đặt lên hàng đầu”.
Bà đề cập đến một video gần đây của BBC về cựu người mẫu Duy Ngô Nhĩ, Merdan Ghappar, từ bên trong một trại tập trung ở Tân Cương. Video cho thấy nơi anh bị giam giữ có đầy chấy rận, khắp nơi là tiếng la hét của những người đang bị tra tấn. Trong video, chính anh cũng đang bị xích vào giường tại phòng giam.
“Những câu chuyện đau lòng này cần được đưa ra ánh sáng để phơi bày các cuộc khủng hoảng mà chính quyền Trung Quốc đang tìm cách che giấu, đồng thời thu hút sự quan tâm của các chính phủ và khiến họ hành động chống lại tội ác diệt chủng”, bà Enos kêu gọi.
Nhà nghiên cứu nhận định: “Hoa Kỳ không nên coi việc thúc đẩy nhân quyền là trái với lợi ích của Hoa Kỳ, mà ngược lại nó là chiến lược để đề cao. Do đó, một chiến lược với Trung Quốc thành công đòi hỏi Hoa Kỳ phải coi trọng các yếu tố giá trị của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bổ sung việc thúc đẩy nhân quyền và các ưu tiên an ninh quốc gia, cũng như tăng cường tiếng nói của người dân Trung Quốc”.