Tiến sĩ Antonio Graceffo, chuyên gia phân tích về Trung Quốc, nhận định bẫy nợ Trung Quốc gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các nước sở tại: Các dự án chưa làm xong, nhưng quốc gia đã nợ đầm đìa.
Ông Graceffo là tác giả cuốn sách: “Ngoài Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc”.
Trong bài phân tích trên The Epoch Times ngày 7/12, tiến sĩ Graceffo cho biết đã 8 năm trôi qua kể từ khi Bắc Kinh đưa ra cái gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường. Giờ đây, nhiều quốc gia “tràn ngập những cây cầu đang xây dở, những dự án chưa hoàn thành, những tuyến đường sắt quá tải, những con đường chẳng đi đến đâu, nợ nần chồng chất và nhân dân tức giận”, theo tiến sĩ Graceffo.
Ông nhắc lại cảnh báo của ông Richard Moore, giám đốc Cục Tình báo Mật (MI6) của Anh Quốc, rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là một cái “bẫy nợ”.
Người đứng đầu MI6 của Anh nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng tiền bạc thông qua BRI để “lôi kéo mọi người”, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và làm xói mòn chủ quyền của các nước.
Bẫy nợ Trung Quốc trong dự án Vành đai và Con đường
Mô hình Vành đai và Con đường (BRI) cơ bản là Trung Quốc cung cấp các khoản vay, thường là với lãi suất cao, cho các nước, để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, trạm phát điện, đường sắt và sân bay. Hầu hết các dự án xây dựng đều do các công ty Trung Quốc thực hiện, có sử dụng lao động Trung Quốc và nguyên vật liệu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các dự án BRI còn đặt ra điều kiện là các công ty Trung Quốc tham gia dự án không phải nộp thuế cho chính quyền địa phương trong vài năm đầu tiên.
Theo tiến sĩ Graceffo: “Nhiều quốc gia ký kết BRI vì họ không có nơi nào khác để vay tiền. Hai phần ba các quốc gia BRI lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và bị cản trở bởi xếp hạng tín dụng quốc gia thấp hơn mức có thể đầu tư. Một số nước thực sự có xếp hạng tín dụng ngang bằng với trái phiếu rác, trong khi những nước khác bị coi là không ổn định về mặt chính trị. Đối với họ, Trung Quốc trở thành bên cho vay cuối cùng.”
“42 trong số các nước BRI nghèo nhất đã nợ Trung Quốc từ 10% trở lên trong GDP của họ. 8 quốc gia mắc nợ nhiều nhất là Lào, Angola, Kyrgyzstan, Djibouti, Suriname, Maldives, Congo và Equatorial Guinea, họ nợ Trung Quốc từ 30% GDP trở lên”.
Nghiên cứu do Trường đại học William & Mary’s AidData thực hiện cho thấy 35% các dự án cơ sở hạ tầng BRI phải đối mặt với các vấn đề lớn, như tham nhũng, vi phạm quyền lợi lao động, làm suy thoái môi trường và gây ra các cuộc biểu tình.
Dự án chưa xong, quốc gia nợ đầm đìa, lòng dân phẫn nộ
Một số quốc gia rơi vào tình cảnh nợ Trung Quốc đầm đìa, trong khi các dự án vẫn chưa hoàn thành.
Ở Kenya, dự án đường sắt BRI bị đội vốn, chính phủ đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nợ. Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi được thiết kế là chạy 290 dặm, nối liền thành phố Mombasa với thủ đô Nairobi của đất nước. Nhưng thực tế là, nó kết thúc ở một ngôi làng nhỏ, cách Nairobi 75 dặm, vì Trung Quốc giữ lại 4,9 tỷ đô la tài trợ.
Montenegro hiện là quê hương của “những con đường chẳng đi đến đâu”. Trung Quốc xây dựng một con đường cao tốc mới tại nước này, nhưng bỏ dở giữa chừng vì Montenegro không kịp thanh toán nợ. Do vay tièn của Trung Quốc, nợ công của Montenegro hiện đã vượt quá 100% GDP.
ĐCSTQ đã cắt tài trợ cho một tuyến đường sắt cao cấp ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Các quan chức Kazakhstan cho biết hiện họ sẽ phải vay từ các ngân hàng trong nước 1,9 tỷ USD để hoàn thành dự án.
Ở nhiều quốc gia, các dự án BRI có tình trạng quản lý yếu kém, tham nhũng và không quan tâm tới lợi ích của người dân địa phương. Kết quả là người dân mất lòng tin và thậm chí là căm ghét người Trung Quốc. Tại quần đảo Solomon, người dân xông vào dinh tổng thống và đốt cháy các tòa nhà ở Khu phố Tàu của Honiara.
Ở Malaysia, nỗi tức giận của người dân về nạn tham nhũng trong các dự án BRI đã dẫn đến việc lật đổ thủ tướng. Người Myanmar đã đốt phá các nhà máy của Trung Quốc. Tại Sri Lanka, chính phủ phải nhượng lại sân bay và cảng biển lớn nhất của đất nước cho Trung Quốc, vì không có khả năng trả các khoản vay BRI. Điều này khiến nhân dân Sri Lanka rất bất bình.
Nỗi bất bình ở châu Phi
Ông Moore, giám đốc MI6, tuyên bố rằng 20% các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi được tài trợ bởi Trung Quốc và 30% trong số đó được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc. Không phải tất cả mọi người ở châu Phi đều hài lòng về các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc bị tấn công tại một dự án đường sắt ở Kenya. Người dân quốc gia tây Phi Gambian đã đốt cháy một nhà máy bột cá của Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc bị sát hại tại một nhà máy sản xuất quần áo ở Zambia. Doanh nghiệp Trung Quốc bị đốt cháy ở Nigeria. Còn Uganda có nguy cơ phải bàn giao sân bay quốc tế Entebbe cho Trung Quốc vì không thanh toán được nợ.
Mô hình BRI của Trung Quốc thất bại, Mỹ và châu Âu đề xuất mô hình mới minh bạch hơn
Ông Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData, nói rằng các khoản vay từ Trung Quốc không phải là về “sự thịnh vượng chung”, mà chúng là các khoản vay thương mại, được thiết kế để kiếm lợi nhuận.
Ngược lại, Hoa Kỳ, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho vay phát triển với lãi suất thấp. Khoản vay BRI trung bình có lãi suất là 4%, cao gấp 4 lần mức 1% đối với các khoản vay của OECD. Ngoài ra, các khoản vay của OECD là minh bạch; Còn các khoản vay BRI thì không.
Các khoản vay của Trung Quốc không phải đều đến trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc. Thay vào đó, chúng được gửi qua nhiều tổ chức cho vay khác nhau. Do đó, ngay cả đối với người đi vay, rất khó để xác định tất cả các khoản vay, cũng như xác định số tiền nợ cho ai và với điều kiện nào. Hệ thống cho vay không rõ ràng này đã dẫn đến báo cáo thiếu về tình trạng nợ nần.
Đầu tư BRI đạt đỉnh điểm vào năm 2015, và liên tục suy giảm kể từ đó. Nó rớt xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2020. Sự kết hợp của suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đại dịch, việc báo chí phơi bày thông tin xấu về BRI, thái độ bất bình ngày càng tăng đối với Bắc Kinh. Những điều này khiến các nước đang phát triển nhận ra rằng phương Tây như Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc là những đối tác đáng tin cậy hơn.
Theo tiến sĩ Graceffo: “Sự thất bại của BRI chứng tỏ các chính sách đầu tư thận trọng và viện trợ kinh tế có mục tiêu của Mỹ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước đang phát triển về lâu dài”.
Vào năm 2018, Mỹ đã thông qua Đạo luật BUILD, thành lập Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC). Công ty này là nhằm thiết lập một tiêu chuẩn tốt hơn cho việc đầu tư nước ngoài, giúp các nước nhận đầu tư tăng cường các mô hình quản trị.
Châu Âu cũng đề ra một chương trình khác nhằm thay thế BRI của Trung Quốc. Đó là chương trình Cửa ngõ Toàn cầu (Global Greatway) của Liên minh Châu Âu.