Vụ ám sát John F. Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, là một trong những sự kiện được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử chính trị nước này. Sau khi ông chết vì bị bắn vào đầu và cổ, thi thể của ông được chuyển từ Texas đến Washington, DC trong một chiếc quan tài bằng đồng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người có thể không biết, là đó là chiếc quan tài này lại không được chôn cùng với thi hài của ông.
Cuộc gọi bí ẩn giữa giờ trưa
Vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline Kennedy cùng với vợ chồng Thống đốc bang Texas John Connally đang đi trong một đoàn xe qua trung tâm thành phố Dallas. Họ đang tham gia một hành trình vận động gây quỹ mà chính Kennedy cảm thấy đầy hứng khởi. Nhưng khi chiếc xe mui trần chở tổng thống đi qua tòa nhà cao tầng Kho lưu trữ Sách giáo khoa Texas, nhiều tiếng súng vang lên. Một viên đạn bắn xuyên qua cổ tổng thống Kennedy, trúng thống đốc Connally ngồi ở ghế trước. Một viên đạn khác găm vào gáy ngài tổng thống.
Lúc đó là 12h30 chiều. Người nổ súng là cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Lee Harvey Oswald, kẻ mà gần đó đã được thuê tại kho lưu trữ sách. Hai phát súng ám sát của Oswald đã khiến tổng thống John F. Kennedy qua đời chỉ 30 phút sau đó.
Sự kinh hoàng bao trùm cả hiện trường. Tuy nhiên, vào thời đó thông tin chưa được truyền tải nhanh nhờ cơn bão internet như bây giờ. Thế nên trong lúc tại hiện trường đang rối tung lên và chính phủ Mỹ đang sốc nặng, thì ở Nhà tang lễ O’Neal ngay tại thành phố Dallas, nhịp sống vẫn chẳng ảnh hưởng gì. Vào tầm giờ trưa hôm đó, trong số 18 thành viên Nhà tang lễ, 17 người trong số họ đã ra ngoài đi ăn, để lại người coi nhà duy nhất chính là ông chủ Vernon O’Neal.
Vào lúc hơn 13h, Vernon O’Neal nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông vừa lạnh lùng vừa gấp gáp yêu cầu một chiếc quan tài tốt nhất mà O’Neal có. Vernon nhận lời, anh bèn chọn từ trong kho một chiếc quan tài bằng đồng nguyên khối với lớp lót sa tanh trắng được gắn thẻ với giá bán 3.995 đô la, tương đương hơn 36.000 đô la ngày nay. Tất nhiên để vần nổi chiếc quan tài Handley Brittania cồng kềnh nặng hơn 400 pound, anh phải chờ 3 nhân viên của mình đi ăn xong về hỗ trợ. Sau khi chất được nó lên chiếc xe tang Cadillac của mình, Vernon vội phóng đến Bệnh viện Parkland Memorial mà không biết rằng đây là chuyến giao hàng quan trọng nhất cuộc đời.
Đến nơi, chờ sẵn Vernon O’Neal là Clint Hill – nhân viên Sở Mật vụ, người thực hiện cuộc gọi bí ẩn đặt hàng quan tài ít phút trước. Anh ta đang trong sự hối lỗi và rầu rĩ tột độ vì không thể bảo vệ được thân chủ. Sau cuộc nói chuyện trong không khí còn lạnh hơn nhà xác, Vernon O’Neal biết được rằng, chiếc quan tài anh mang đến sẽ dành cho Tổng thống Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kennedy – người vừa được tuyên bố đã qua đời hơn nửa giờ trước.
Những đặc vụ và phụ tá của tổng thống giúp Vernon O’Neal đẩy quan tài vào bệnh viện và đi dọc hành lang tới Phòng Chấn thương Số Một- nơi thi thể tổng thống đang nằm tại đó. Khi đó, Jacqueline – người vợ của cố tổng thống đang đau khổ đeo chiếc nhẫn cưới của mình vào ngón tay của ông. Mọi người dịch ra để Vernon O’Neal tiến vào làm công việc mà ở đây anh là người thông thạo nhất.
Nhưng ngay chính Vernon O’Neal cũng kinh hoàng khi nhìn thấy tình trạng thi thể của Tổng thống. Máu ở khắp mọi nơi và một vết thương hở làm lộ chất não đang rỉ ra khỏi đầu của John F. Kennedy. Không muốn làm hỏng chiếc quan tài đẹp và đắt tiền mà anh đã chọn cho Tổng thống, O’Neal và một số y tá phòng cấp cứu đã bắt tay vào việc. Đáy của bên trong quan tài được lót bằng một tấm nệm nhựa và thi thể của Tổng thống được bọc trong một tấm ga trải giường. Các y tá còn dành 20 phút cẩn thận bọc đầu của Tổng thống trong nhiều tấm khăn trải giường màu trắng để máu không thấm qua và làm bẩn lớp lót của quan tài.
Phần việc của Vernon O’Neal đã xong. Chiếc quan tài quàn thi hài tổng thống Hoa Kỳ được đưa lên chiếc Không lực Một để đưa John F. Kennedy về lại với Washington, DC. Trên máy bay chở thi hài tổng thống, đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy vẫn trong chiếc váy Chanel màu hồng nhuốm máu chồng, đau khổ đứng sát bên quan tài không rời. Trong khi đó, phó Tổng thống Lyndon Johnson tay đặt trên cuốn sách về các nghi lễ Công giáo, làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới, để điều hành một chính quyền Hoa Kỳ đang trong cơn choáng váng.
Sự cần thiết của chiếc quan tài thứ hai
Theo nguyện vọng của đệ nhất phu nhân, việc khám nghiệm thi thể của chồng bà sẽ được tiến hành ở Bệnh viện Hải quân Bethesda, gần Washington, DC. Sau 4 giờ bay, máy bay Không lực Một hạ cánh. Chiếc quan tài đồng chở tổng thống thứ 35 của nước Mỹ được chuyển đến bệnh viện Hải quân Bethesda. Khi chiếc quan tài được mở nắp, những người chứng kiến một lần nữa thấy thật bi thương. Những nỗ lực của Vernon O’Neal và các y tá tại Bệnh viện Parkland ở Dallas đã không giúp được gì nhiều trong việc bảo quản thi hài của cố tổng thống. Chiếc băng tạm thời được quấn cẩn thận quanh đầu của Kennedy cũng không ngăn được vết thấm ra. Máu thấm qua các tấm vải tạo thành “băng cứng” và lớp lót bên trong quan tài trang trí công phu của Kennedy rõ ràng đã bị hư hại. Tất cả, không phải lỗi của nhà tang lễ O’Neal và các nhân viên y tá, mà đơn giản vì vết đạn ám sát đã tàn phá phần đầu của tổng thống Kennedy quá sâu.
Sau khi khám nghiệm và tẩm liệm, thi thể của tổng thống Kennedy sẽ được quàn ở Điện Capitol để dòng người đến viếng, trong một lễ tang lịch sử của Hoa Kỳ. Đội ngũ của Nhà tang lễ Gawler nổi tiếng nhất nước Mỹ đã làm việc cực kỳ tỉ mỉ để thi hài ông có được trạng thái ổn nhất. Nhưng tất nhiên, Tổng thống Kennedy không thể được đặt trở lại trong chiếc quan tài bằng đồng cầu kỳ tinh xảo nhưng vấy máu đã đưa ông từ Texas về nhà. Nhà tang lễ Gawler đã mang đến một chiếc quan tài trang nhã khác dành cho Tổng thống – một chiếc quan tài Marsellus 710 trị giá 3.160 đô la được chế tác từ “gỗ gụ châu Phi 500 năm tuổi được đánh bóng bằng tay”. Và đây chính là chiếc quan tài mà người Mỹ đã được thấy trong lễ tang, và nó cũng theo ông an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
Vậy còn chiếc quan tài Handley Brittania kia thì sao? Sau lễ tang, chính quyền chẳng biết làm gì với bản gốc đồ sộ cồng kềnh này. Và thế là nhà tang lễ Gawler buộc phải tiếp nhận nó như một món quà lưu niệm bệnh hoạn hay đơn giản là do quan chức Mỹ bối rối không biết phải làm gì với nó. Sau đó, nhà tang lễ này quyết định tống nó vào một nhà kho ở Washington, DC.
Nhưng rồi “gánh nợ” của nhà tang lễ Gawler cũng sớm được giải thoát. Vào tháng 1 năm 1964, chưa đầy hai tháng sau khi chôn cất cố tổng thống, Vernon O’Neal đã đệ trình lên chính phủ liên bang một hóa đơn trị giá 3.995 đô la cho chiếc quan tài mà Mật vụ Clint Hill đã đặt hàng ở Dallas.
Bất ngờ là việc thanh khoản không thuận lợi. Chính phủ cảm thấy rằng hóa đơn của O’Neal là “quá đáng”, đặc biệt là vì anh chàng này chỉ giao quan tài đến Bệnh viện Parkland ở Dallas và không thực hiện bất kỳ dịch vụ tang lễ nào khác như ướp xác, dịch vụ nhà nguyện hoặc vận chuyển người đưa tang.
Sau màn đàm phán, Vernon O’Neal đã giảm giá 500 đô la, nhưng chính phủ vẫn gặp vấn đề với mức giá 3.495 đô la. Thực ra, điều mà Vernon O’Neal thực sự muốn chính là chiếc quan tài trở lại với anh. Không phải O’Neal muốn kỳ kèo với Chính phủ, mà thực ra anh muốn Chính phủ trả lại cho anh món hàng đặc biệt này. Lý do bởi vì anh đã nhận được đề nghị trị giá 100.000 đô la, tương đương với 1 triệu đô la hiện nay, từ các bên quan tâm đến việc thu thập và trưng bày chiếc quan tài như một di vật độc nhất vô nhị của vị Tổng thống đã khuất.
Đối với gia đình Kennedy – những người vẫn còn nguyên sự thống khổ và ám ảnh bởi hậu quả vụ ám sát, đây là một sự sỉ nhục to lớn. Họ không thể chấp nhận được việc những vết máu của cố tổng thống sẽ bị trường lên mặt công chúng thêm lần nữa. Đặc biệt, nó càng không thể là mục tiêu của những kẻ tò mò bệnh hoạn. Dưới sự thúc giục của gia đình Kennedy, chính phủ Mỹ cuối cùng đã phải chấp nhận trả cho O’Neal số tiền còn nợ và đặt chiếc quan tài vào Cục Lưu trữ Quốc gia, nơi nó được lưu giữ trong hai năm.
Chiếc quan tài ở lại biển xanh
Vào tháng 9 năm 1965, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu chính phủ bảo quản bất kỳ đồ vật nào liên quan đến Vụ ám sát Kennedy có thể chứa giá trị chứng cứ. Vài ngày sau, Dân biểu Earle Cabell từ Texas gửi thư, lên tiếng rằng, chiếc quan tài không có giá trị gì đối với bất kỳ ai khác ngoài “những kẻ tò mò bệnh hoạn”. Nó chỉ là vật liệu “thừa” do chính phủ liên bang sở hữu và kiểm soát. Để ngăn chặn những người có thể “tò mò một cách bệnh hoạn”, Cabell khuyến nghị rằng chiếc quan tài “được tuyên bố là tài sản hợp pháp của Hoa Kỳ”.
Gia đình Kennedy đồng ý với ý kiến của Nghị sĩ Cabell. Sau đó, thượng nghị sĩ Robert Kennedy – em trai cố tổng thống, đã tiếp cận chính phủ về việc chôn chiếc quan tài trên biển, để đảm bảo nó không bao giờ rơi vào tay những kẻ lợi dụng cái chết của anh trai ông. Sau khi được phê duyệt, công việc xử lý nó được giao cho quân đội Hoa Kỳ.
Vào ngày 18 tháng 2 năm 1966, thành viên của Lực lượng Không quân đã đặt chiếc quan tài từ một tòa nhà an toàn tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia chỉ cách Nhà Trắng vài dãy nhà. Quan tài được đặt trong một chiếc xe tải của không lực Mỹ và được vận chuyển đến Căn cứ Không quân Andrews – chính là nơi mà chiếc quan tài ban đầu đã hạ cánh xuống Washington cùng với thi thể Tổng thống Kennedy bên trong chưa đầy ba năm trước đó. Tại Andrews, đội Không quân từ Phi đội Nhà ga số 93 đã chất chiếc quan tài lên một máy bay vận tải C130.
Lực lượng Không quân đã quyết định đưa nó đến một nơi mà cố tổng thống từng muốn được chôn cất: Đại Tây Dương. Vốn dĩ Kennedy yêu biển và được cho là đã cân nhắc việc chôn cất trên biển khi qua đời. Tất nhiên, chúng ta biết rằng Kennedy được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nhưng vì nhiều lý do, Đại Tây Dương là nơi hoàn hảo để xử lý chiếc quan tài đã đưa ông trở lại Washington sau vụ ám sát.
Theo đúng kịch bản, chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules cất cánh từ căn cứ và bay ra Đại Tây Dương, cách Washington, DC khoảng 100 dặm về phía đông. Khu vực này, vốn được sử dụng làm bãi chứa vũ khí và đạn dược đã lỗi thời của quân đội. Nó được chọn vì nằm ngoài đường vận chuyển hàng hải và đường hàng không thông thường; nhất là sẽ “không bị quấy rầy bởi hoạt động đánh bắt cá và các hoạt động khác dưới đáy biển”.
Trước khi cất cánh, Lực lượng Không quân đã khoan 42 lỗ trên quan tài và lấp đầy nó bằng ba bao cát nặng 80 pound. Nó cũng được cố định bên trong một chiếc thùng gỗ và được đóng kín để không bị vỡ khi chạm nước.
Khoảng 10h sáng, sau khi hạ độ cao 500 feet, cửa sập đuôi của máy bay được mở ra và chiếc quan tài được thả xuống nước. Theo một bản ghi nhớ ngày 25 tháng 2 năm 1966 từ trợ lý đặc biệt của bộ trưởng quốc phòng, “dù bung ra ngay trước khi va chạm và toàn bộ tải trọng được trang bị vẫn nguyên vẹn và chìm xuống rõ ràng, rõ ràng và ngay lập tức sau một va chạm nhẹ.” Sau khi bay vòng quanh khu vực trong 10 phút, chiếc C-130 đã bay trở lại đất liền.
Chiếc quan tài đã nằm lại ở độ sâu khoảng 9.000 feet dưới nước. Điều đó khiến gia đình Kennedy cảm thấy nhẹ nhõm vì họ không còn phải lo lắng về việc một chiếc quan tài đẫm máu sẽ được trưng bày ở đâu đó cho “những kẻ tò mò bệnh hoạn”. Họ cũng thực sự muốn quên đi địa điểm nơi nó vẫn nằm ở đáy biển; tuy nhiên, một sự kiện xảy ra sau đó hơn 30 năm đã đánh thức những ký ức đau buồn trong gia đình danh giá này.
Đó là một sự kiện xảy ra vào ngày 16 tháng 7 năm 1999, khi John F. Kennedy, Jr -con trai út của Tổng thống Kennedy, đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay. Sau khi cơ thể của ông đã được tìm kiếm và xác định, hài cốt của John F. Kennedy, Jr đã được đưa ra Đại Tây Dương. Và ở nơi chỉ cách một vài trăm dặm từ khu vực có chiếc quan tài của cha mình, ông đã được hải táng, giống như dự kiến lúc sinh thời của người cha yểu mệnh.