Bộ trưởng, Chủ tịch Hà Nội bổ nhiệm, dặn dò thuộc cấp trước ngày bị bắt; Ấn Độ trao 12 tàu tuần tra cho ‘bạn thân Việt Nam’ là những sự kiện nổi bật tuần qua.
- Khẩn cấp mở cửa xả lũ 2 hồ thuỷ điện Sơn La và Hoà Bình
- Video quá nguy hiểm: Xe bồn chở xăng đi lùi trên cầu Nhật Tân
- Trước khi bị bắt, ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm thần tốc hàng loạt lãnh đạo sở, ngành
Bộ trưởng, Chủ tịch Hà Nội bổ nhiệm, dặn dò thuộc cấp trước ngày bị bắt
Ngày 7/6, Bộ Công an bắt giam, khởi tố các ông Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Chu Ngọc Anh – cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ. 3 cựu quan chức vướng lao lý với cáo buộc liên quan đến vụ Việt Á.
Quy trình bắt ông Chủ Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long nhanh chóng, chỉ một ngày sau khi hai ông này bị bãi chức Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Y tế. Trước khi bị bắt, một trong những hoạt động cuối cùng ở vai trò Bộ trưởng Y tế của ông Thanh Long là trao quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Liên Hương làm Thứ trưởng Y tế vào chiều 3/6. Tại đó, ông Long dặn bà Hương: “Đây là vinh dự lớn lao, đồng thời, cũng là trách nhiệm nặng nề mà Thủ tướng Chính phủ đã tin cậy giao cho đồng chí”, theo báo Sức khỏe và Đời sống.
Với ông Chu Ngọc Anh, trong ngày 2/6, khi vẫn là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông đã ký quyết định bổ nhiệm 6 cán bộ lãnh đạo sở, phòng. Trong đó, 4 người được ông Anh bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, một người làm phó chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội, một người làm Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Ấn Độ trao 12 tàu tuần tra cho ‘bạn thân Việt Nam’
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã dự lễ bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho Quân đội Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Hải Phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh mong muốn tăng cường hợp tác quân sự – quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn nữa. Trong phát biểu của mình, ông Rajnath Singh cho rằng, nếu “người bạn thân thiết như Việt Nam” tích cực hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ, đó sẽ là điều “vô cùng vui mừng”.
Ai đứng sau số tiền hơn 30.000 tỷ vận chuyển qua biên giới?
VKSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền rất lớn, lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
13 bị can cùng bị truy tố về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trong đó có Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi) và chồng là Phạm Anh Tuấn (38 tuổi, cùng trú tại Tây Hồ, Hà Nội).
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến 2020, vợ chồng Nguyệt cấu kết cùng các đồng phạm hợp thức hoá hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt. Một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong vụ án, đó là số tiền hơn 30.000 tỷ được vận chuyển trái phép qua biên giới là của ai, vì sao lại chuyển trái phép ra nước ngoài? Tuy nhiên, cáo trạng chưa đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi này.
San hô chết hàng loạt, phủ trắng dưới biển Hòn Mun
Mấy ngày nay, dư luận bất ngờ trước hình ảnh hàng trăm m2 san hô ở quanh đảo Hòn Mun – vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị “tẩy trắng”.
Lý giải về tình trạng này, ông Huỳnh Bình Thái – Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết có nhiều nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái rạn san hô Hòn Mun. Trong đó, phần lớn là do thiên tai và hiện tượng tẩy trắng san hô.
Cũng theo ông Thái, trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng san hô chết hàng loạt. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng tại vịnh Nha Trang lên đến 39,5%.
Trong khi đó nguyên Viện trưởng Viện hải dương học thông tin, để có một rạn san hô quý hiếm tại biển Hòn Mun phải mất thời gian dài để hình thành, có khi hàng ngàn, hàng triệu năm. Vì vậy, tình trạng san hô chết hiện nay rất khó phục hồi.
Sốt xuất huyết bùng phát ở miền Tây
Các tỉnh miền Tây có số ca sốt xuất huyết tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái, dự báo số ca nhiễm còn tiếp tục tăng.
Cụ thể, tại Đồng Tháp có 1.640 ca sốt xuất huyết tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, một trường hợp tử vong. Tất cả 12 địa phương của tỉnh đều ghi nhận ca bệnh, trong đó huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự, TP. Cao Lãnh có số ca nhiều nhất và chiếm gần 50% toàn tỉnh.
Tại Cần Thơ số ca nhiễm cũng ghi nhận tăng, khi số bệnh nhân điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lên hàng trăm ca, viện phải kê thêm giường ngoài hành lang. Theo Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao hơn mọi năm, hơn 1.000 ca tính từ đầu năm.
Theo báo Vnexpress, An Giang hiện là địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất miền Tây, hơn 3.900, tăng 365% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 5-10%, không có ca tử vong. Số bệnh nhân trong tuần qua tăng từ 426 lên 526 ca.
Các chuyên gia cảnh báo, năm nay dịch sẽ bùng phát lớn theo chu kỳ, do đó người dân không nên chủ quan dẫn đến các ca bệnh nặng xuất hiện ngày càng nhiều.
Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á
Tối ngày 8/6, chiến thắng thuyết phục U23 Malaysia 2-0, cộng thêm việc U23 Hàn Quốc đánh bại người Thái ở trận đấu cùng giờ, thầy trò HLV Gong Oh-kyun xuất sắc đưa đội tuyển U23 Việt Nam vào tứ kết giải U23 châu Á.
Với kết quả này, U23 Việt Nam đã lập nên kỳ tích khi trở thành đội bóng đầu tiên của Đông Nam Á vào tứ kết U23 châu Á mà không thua trận nào ở vòng bảng.
Theo lịch thi đấu, trận U23 Việt Nam gặp U23 Saudi Arabia sẽ diễn ra vào lúc 23 giờ tối nay 12/6.