Ngày 21/4, Bộ Y tế chính thức phát đi thông báo khẩn về danh sách các loại thuốc giả và thuốc không nằm trong danh mục được cấp giấy đăng ký lưu hành. Thông báo được đưa ra sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá một vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn.
- Đường dây thuốc giả : Danh mục các loại thuốc giả gắn mác thuốc ngoại, phân phối khắp cả nước
- Vụ thuốc giả xương khớp: Chứa chủ yếu thuốc giảm đau, không được phép sản xuất
- Phanh phui đường dây sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại tại TP. Vinh
Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng thuốc giả đang lưu hành trên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
4 loại thuốc bị làm giả tinh vi, mạo danh giấy phép Bộ Y tế
Trong số 21 sản phẩm vi phạm, có 4 sản phẩm được làm giả tinh vi, mạo danh các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, cụ thể gồm:
- Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16
- Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17
- Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), SĐK: VD-14429-11
- Neo-Codion giả – mạo danh thuốc được sản xuất tại Pháp bởi Công ty Sophartex
Các sản phẩm này được đóng gói tương tự thuốc thật, dễ gây nhầm lẫn tại các cơ sở kinh doanh và người sử dụng.
Phát hiện thêm 17 loại không nằm trong danh mục cấp phép
Ngoài 4 loại thuốc giả mạo nhãn hiệu đã cấp phép, Bộ Y tế cũng xác nhận có 16/21 sản phẩm thuốc khác không nằm trong danh mục thuốc được phép lưu hành, phần lớn là thuốc tân dược không rõ nguồn gốc.
Đường dây thuốc giả quy mô toàn quốc, 14 đối tượng bị bắt giữ
Trước đó, Công an Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Vụ án bước đầu xác định có sự tổ chức bài bản, tinh vi, gây nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. 14 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cảnh báo và thu hồi
Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố cùng hệ thống cơ sở y tế, nhà thuốc trên cả nước. Yêu cầu các đơn vị này:
- Không kinh doanh, phân phối, sử dụng các loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo.
- Thông báo rộng rãi đến các cơ sở y tế, nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
- Phối hợp kiểm tra, thu hồi các sản phẩm vi phạm nếu phát hiện lưu hành.
Người dân cần tuyệt đối không mua thuốc không rõ nguồn gốc hoặc từ các điểm bán không có giấy phép. Khi cần sử dụng thuốc, hãy đến các nhà thuốc uy tín, có niêm yết thông tin sản phẩm rõ ràng, hoặc theo đơn kê từ cơ sở y tế. Sức khỏe là tài sản quý giá – đừng để rủi ro từ thuốc giả gây ra hậu quả đáng tiếc.
Theo: Congdankhuyenhoc