Site icon MUC News

Các nhà đầu tư lũ lượt rời Trung Quốc, cơ hội cho Việt Nam?

Nhiều nhà đầu tư rời Trung Quốc vì các biện pháp chống dịch cực đoan của chính quyền (ảnh chụp màn hình Eurasia Group).

Nhiều nhà đầu tư rời Trung Quốc vì các biện pháp chống dịch cực đoan của chính quyền (ảnh chụp màn hình Eurasia Group).

Theo luật sư luật quốc tế Dan Harris, các biện pháp chống dịch hà khắc của chính quyền Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lũ lượt rời bỏ Trung Quốc.

“Cách Trung Quốc xử lý COVID-19 khiến nhiều người khiếp sợ”, ông Harris, nhà sáng lập công ty luật Harris Bricken và đồng biên tập của China Law Blog, nói với NTD News.

Nói về các nhà đầu tư, ông Harris cho biết: “Họ kinh hãi. Họ nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Và họ lo lắng, nhiều người trong số họ tin rằng mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều”.

Ông Harris cho biết một trong những khách hàng của ông có hai nhà máy ở Trung Quốc nhưng họ không làm ra được một sản phẩm nào kể từ tháng Giêng.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Nhật Bản Nomura ước tính 26 thành phố của Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, hoặc áp dụng các biện pháp chống COVID-19 khác kể từ ngày 23/5, chiếm khoảng 208 triệu người và 20,5% sản lượng kinh tế của Trung Quốc.

Sau hơn hai tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt, trung tâm tài chính Thượng Hải mới được mở cửa từ ngày 1/6. Nhưng theo ông Harris, tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ vẫn tiếp diễn vì “Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách zero COVID vì lý do chính trị và lý do y tế”.

Nhà đầu tư rời Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam?

Vì những rủi ro dài hạn liên quan đến chính sách của Trung Quốc, khá nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm các điểm đến khác như Việt Nam và Ấn Độ, theo luật sư Harris. Nhưng điều đó không đơn giản.

“Đối với hầu hết (các nhà đầu tư), điều đó thật khó khăn. Đối với một số người trong số họ, điều đó là không thể. Và đối với nhiều công ty nhỏ, chi phí rời đi là rất cao so với doanh thu của họ”, ông Harris nói.

Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc nhờ tỷ lệ trộm cắp tài sản trí tuệ thấp hơn, ít vấn đề về nhân viên hơn và chi phí tổng thể thấp hơn. Tuy vậy, ông Harris chỉ ra rằng các công ty hướng đến các quốc gia Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Harris nói: “Việt Nam không có cơ sở hạ tầng như Trung Quốc. Nước này không có dịch vụ hậu cần giống như Trung Quốc.”

“Nhiều công ty chuyển vào Việt Nam vẫn cần lấy linh kiện từ Trung Quốc, và việc vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam làm tăng chi phí”, ông Harris nói thêm.

“Đó là lý do tại sao không có quốc gia nào là lựa chọn hoàn hảo cho mọi công ty.”