Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo toàn cầu 2018 (ảnh: UNCTAD/ Flickr). |
Tờ báo của Nhật Bản đưa ra nhận định này trong bối cảnh ông Hun Sen – người cầm quyền ở Campuchia hơn 30 năm qua – bị chỉ trích là chịu nhiều ảnh hưởng từ chính quyền Trung Quốc.
“Một đám cháy nhỏ có thể phá hủy một ngôi nhà”, phát ngôn viên chính phủ Campuchia nói với đài Voice of Democracy và cho biết thêm chính quyền sẽ “đập tan” các cuộc biểu tình nhỏ để tránh các cuộc biểu tình lớn hơn.
Theo Nikkei, các nhà giám sát nhân quyền cho biết có ít nhất 24 nhà hoạt động tại Campuchia đã bị bắt kể từ cuối tháng 7. Với quyết tâm loại bỏ những bất đồng chính kiến, chính quyền Campuchia đã nhắm vào các cuộc biểu tình nhỏ của các nhà hoạt động thanh niên, nhà vận động môi trường và thành viên gia đình của các chính trị gia đối lập bị bỏ tù. Cảnh sát thậm chí đã bắt giữ một nhà sư vì biểu tình, đồng thời bắt giữ hai rapper vì các ca khúc có chi tiết đề cập đến chính trị.
‘Không khoan nhượng’
Ông Sok Eysan, phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Campuchia nói với Nikkei rằng: “Biểu tình nhỏ hay biểu tình lớn, chúng tôi sẽ bắt giữ tất cả nếu họ làm trái luật”.
Trong một tuyên bố mới đây, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Ravina Shamdasani, bày tỏ quan ngại: “Tình hình hiện nay đánh dấu sự không khoan nhượng của chính phủ Campuchia đối với bất đồng chính kiến và đàn áp các quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội hòa bình”.
Các cuộc biểu tình gia tăng trong bối cảnh dịch viêm phổi COVID-19 đã phơi bày sự mong manh của nền kinh tế Campuchia. Theo Nikkei, hàng triệu người Campuchia phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc phải vật lộn kiếm sống trong khi sự hỗ trợ của chính phủ giảm dần. Bên cạnh đó nạn tham nhũng và tình trạng thiếu hụt các dịch vụ công như y tế và giáo dục trở thành điểm nóng.
Tường lửa kiểu Trung Quốc
Chính phủ Campuchia đang có kế hoạch tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát Internet thông qua một bức “tường lửa kiểu Trung Quốc”, theo Nikkei. Chính phủ tiến hành bắt giữ hoặc đe dọa các nhà báo, công đoàn viên và các nhà sư để thực hiện mục tiêu.
Chính quyền Hun Sen đã tăng cường dập tắt những lời chỉ trích kể từ năm 2013, khi đảng của ông suýt thua trong cuộc bầu cử với Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) và đối mặt với cuộc biểu tình đường phố lớn nhất trong lịch sử hiện đại kêu gọi lật đổ Hun Sen.
Kể từ sau cuộc biểu tình, Phnôm Pênh tự cho mình quyền lập pháp để kiểm soát xã hội dân sự, tuyên bố thiết quân luật và triển khai giám sát điện tử rộng rãi, theo Nikkei. Ít nhất mười người đã bị bắt, “cải tạo” hoặc bỏ tù trong năm nay vì những bình luận chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội.
Bà Mu Sochua, phó chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia, hiện đang ở Mỹ, cho biết: “Hun Sen sẽ không bao giờ cho phép cuộc biểu tình năm 2013/2014 tái diễn lần nữa. Đó là lý do tại sao ngay cả một phụ nữ trẻ muốn diễu hành trên đường phố cũng không được phép.”
‘Theo Trung Quốc’ vẫn chưa đủ
Nikkei chỉ ra rằng chế độ Hun Sen ở Campuchia được trợ giúp bởi Trung Quốc, nguồn viện trợ và đầu tư hàng đầu của nước này. Đổi lại, ông Hun Sen thể hiện rõ lòng trung thành của ông đối với Bắc Kinh, trong đó có việc xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nạn diệt chủng Khơ Me đỏ tại Campuchia vào cuối những năm 70, theo Foreign Policy.
Ông Hun Sen cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc vào tháng 2 năm nay trong bối cảnh Bắc Kinh bị quốc tế xa lánh vì che giấu dịch bệnh COVID-19, khiến virus lây lan khắp thế giới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 2/2020 (ảnh chụp màn hình CGTN). |
Thông qua hỗ trợ từ Trung Quốc, ông Hun Sen giảm bớt sự phụ thuộc của Campuchia vào các nhà tài trợ phương Tây, những nước thường cung cấp hỗ trợ kèm theo yêu cầu về thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, việc dựa vào Trung Quốc để khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế Campuchia vẫn gặp nhiều hạn chế.
Theo Nikkei, nhà phân tích Imogen Page-Jarret của Economist Intelligence Unit cho biết chính phủ Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy lượng khách du lịch của Campuchia và khuyến khích đầu tư, nhưng sẽ mất “nhiều năm” để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này vào thị trường Mỹ và châu Âu.
Tháng trước, Brussels đã đình chỉ một phần các ưu đãi thương mại của Campuchia với EU để đáp trả các hành vi vi phạm nhân quyền tại nước này. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của châu Âu đã giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc trị giá 10 tỷ USD của Campuchia trong bối cảnh đại dịch.