Tổng thống Donald Trump chào mừng những người ủng hộ khi ông đến Căn cứ Vệ binh Quốc gia Không quân Kentucky ở Louisville, Mỹ ngày 21 tháng 8 năm 2019 (ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ). |
Một trong những nhân tố dẫn đến chiến thắng này của ông Trump lại chính là Trung Quốc, theo bài bình luận đăng trên Nikkei Asian Review ngày 13/9 của cựu cố vấn Lầu Năm Góc, ông Derek Grossman, một chuyên gia phân tích quân sự của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation.
Ông Derek viết: “Trung Quốc ngày càng táo bạo đối với Đài Loan, Hồng Kông, cũng như các nước khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, gần đây là với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, những việc đó đã khiến các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự đồng thuận chưa từng có, họ đều cho rằng cách tiếp cận hung hăng của Bắc Kinh là diễn biến không được hoan nghênh trong khu vực”.
Xu hướng tăng cường hợp tác an ninh
Một số quốc gia đang thắt chặt hợp tác an ninh với nhau và với Washington trước mối đe dọa an ninh từ Bắc Kinh. “Nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, sẽ có thêm nhiều nước làm vậy, khiến Bắc Kinh ngày càng bị cô lập”, ông Derek nhận định.
Nhà nghiên cứu nêu ví dụ, nhóm Tứ giác Kim cương gồm Mỹ – Úc – Ấn – Nhật nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh trong nhóm.
Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Úc công bố bản cập nhật chiến lược và kế hoạch cấu trúc lực lượng nhằm chống lại Trung Quốc. Sau khi đụng độ ở biên giới Trung – Ấn leo thang, những người ủng hộ Trung Quốc tại Ấn Độ đã chuyển sang lập trường cứng rắn.
Ngày 14/7, Tokyo công bố sách trắng quốc phòng thường niên, chỉ trích các hành động đơn phương và liên tiếp của Bắc Kinh nhằm “thay đổi hiện trạng khu vực biển quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) bằng cách cưỡng bức”.
Động thái của Việt Nam và các nước Đông Nam Á
Chuyên gia quốc phòng Derek cho biết: “Washington cũng đang có mối quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á. Hà Nội là một đối tác an ninh đang phát triển của Washington. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt quốc gia khác, gồm Úc, Nhật Bản và Ấn Độ”.
Ngày 29/7, Malaysia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) bác bỏ đệ trình trước đó của Trung Quốc về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Ngày 2/6, tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), một phần vì lo ngại về tình trạng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ngày 22/7, Indonesia tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn trong khu vực, với thông điệp rõ ràng là muốn ngăn Bắc Kinh xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Jakatar.
Ngay cả Brunei, vốn ít lên tiếng về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thì ngày 20/7 cũng nhấn mạnh phải tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
‘Thảm họa’ của Trung Quốc
Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và mở”. Quốc gia này phải đối mặt với sức ép liên tiếp và gia tăng của Đại Lục. Điều này thúc đẩy mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan ngày càng thắt chặt.
Ông Derek nhận định: “Hành xử hung hăng của Bắc Kinh khiến các nước ngoài khu vực lên tiếng ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý là Anh và Pháp năm 2018, đã có các chuyến tự do tuần tra hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách của Bắc Kinh”.
Cựu cố vấn lầu Năm Góc cho rằng có lẽ Bắc Kinh nhận ra sự hung hăng của họ ở Biến Đông khiến các quốc gia xa lánh, vì vậy Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tuần trước có chuyến công du Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.
“Nếu Bắc Kinh không tái khẳng định quan hệ với các nước, họ sẽ bị cô lập và chỉ còn vài nước bạn như Triều Tiên, Pakistan, Campuchia và Nga. Đó sẽ là một thảm họa”, ông Derek bình luận.