Site icon MUC News

Chuyến thăm của ông Biden tới Israel có thực sự thành công?

Tổng thống Joe Biden phát biểu khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thứ Tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023, tại Tel Aviv. (ảnh chụp từ video CNN).

Liệu chuyến thăm của tổng thống Biden có phải là thành công như điều ông tự nhận hay không? Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về điều này.

Ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Tel Aviv và hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Đến nay, những nội dung chính trong nghị trình của ông Biden thực hiện ở Tel Aviv trong 7 tiếng rưỡi được hãng tin AP liệt kê là: Tạo ra rất nhiều sự ủng hộ bằng lời nói, một thỏa thuận để nhận viện trợ nhân đạo hạn chế vào Gaza từ Ai Cập, có thể sẽ kết thúc trong tuần, và lời cầu xin người Israel đừng để cơn thịnh nộ về cuộc tấn công chết người của Hamas tiêu diệt họ.

Trên chiếc chuyên cơ Air Force One từ  Tel Aviv trở về Washington, ông Biden tỏ ra phấn khích. Ông khoe với các phóng viên rằng mình đạt được tiến bộ khi nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, người đã đồng ý mở lại cửa khẩu biên giới bị phong tỏa của đất nước ông với Gaza và cho phép tối đa 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua.

“el-Sissi rất hợp tác. Ông ấy đã bước lên, và Bibi (tức Netanyahu) cũng vậy”, ông Biden nói. Theo AP, ông Biden đang có tâm trạng ăn mừng thành tích của chính mình khi nói: “Tôi đến để hoàn thành một việc gì đó. Tôi đã làm được việc đó.”

Biden nói: “Không nhiều người nghĩ rằng tôi có thể làm được việc này. “Và không có nhiều người muốn tôi dính líu tới sự thất bại.”

Biden cho biết các quan chức đã thảo luận “kéo dài một giờ hoặc hơn” về việc “có nên đi” trước khi chuyến đi bắt đầu hay không. Ông nói: “Nếu chúng tôi ra đi và việc này thất bại thì Hoa Kỳ cũng thất bại”. “Nhiệm kỳ tổng thống của Biden đã thất bại, v.v., đó sẽ là một lời chỉ trích chính đáng”.

Hậu công du: Biểu tình và hỗn loạn

Những liệu chuyến thăm của tổng thống Biden có phải là thành công như điều ông tự nhận hay không? Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về điều này. Tờ Bloomberg có bài viết với tiêu đề “Chuyến đi Israel đầy gió lốc của Biden không thể xoa dịu nỗi lo về xung đột rộng hơn ở Trung Đông”. Bài viết cho rằng: Chuyến đi của Joe Biden tới Tel Aviv báo hiệu sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ dành cho Israel nhưng lại không đạt được một mục tiêu quan trọng khác: giành chiến thắng trước các nhà lãnh đạo Ả Rập.

Dưới con mắt của nhiều nhà phân tích, sự hăng hái bất cẩn của ông Biden tại Tel Aviv rất dễ gây họa cho Trung Đông và cả các đồng minh của Mỹ. Sarah Parkinson, giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Chuyến thăm hôm nay của ông ấy được coi là sự ủng hộ hết mình dành cho chính phủ Israel mà không cần báo trước”. “Điều đó đang làm xói mòn nhanh chóng các mối quan hệ trong khu vực.”

Sarah Parkinson đang nói về việc ông Biden không chỉ quyết định chấp nhận lời giải thích của Israel về vụ nổ chết người ở bệnh viện tại Gaza, mà còn là cách ông làm như vậy cũng có khả năng gây phẫn nộ trong khu vực. Bằng cách nói rằng “nhóm khác” chịu trách nhiệm về vụ việc, tổng thống Mỹ thậm chí còn liên kết thẳng thắn hơn với Israel.

Parkinson nói: “Đối với nhiều người trong khu vực, điều đó có vẻ không dựa trên thực tế mà có vẻ như đó là một quyết định chính trị”. “Nó đang đặt nhiều đồng minh của Mỹ vào tình thế cực kỳ khó khăn”.

Còn Martin Kettle – cây bút trên tờ The Guardian so sánh chuyến thăm của ông Biden với một canh bạc, mà trong đó “tiền đặt cược không thể cao hơn”. Nhà phân tích này quan ngại rằng, sau chuyến đi châm ngòi căng thẳng, viễn cảnh về một cuộc chiến rộng hơn ở Trung Đông có thể khuyến khích Nga ở Ukraine và khuyến khích Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. 

Nhà báo này cũng không tin tưởng về thực chất mối quan hệ giữa Biden và Benjamin Netanyahu. Cần nhắc lại rằng, từ năm 2010, Biden, khi đó là phó tổng thống của Barack Obama, đã tới Israel để hội đàm với Netanyahu. Nhưng các ý tưởng của Biden lúc đó đã bị Netanyahu phớt lờ ra mặt. Nói như Leland Vittert – giám đốc kênh NewsNation, người đã từng là phóng viên nước ngoài trong bốn năm ở Jerusalem, thì Netanyahu và Biden ghét nhau, cực kỳ ghét nhau. Netanyahu đã khiến Biden xấu hổ khi ông còn là phó tổng thống và ông vẫn chưa quên điều đó.

Vì thế, có cơ sở để nhà báo Martin Kettle cho rằng, Joe Biden và Benjamin Netanyahu có rất ít lý do để tin tưởng lẫn nhau và do đó có rất ít lý do để đạt được một thỏa thuận kiểu Kissinger.

Nói về sự thất bại của ông Biden, tờ New Republic viết: Có một từ vô cùng thiếu trong bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Biden tại Israel hôm thứ Tư: (đó là) “ngừng bắn”.

Ngay cả những kênh truyền thông gần gũi với chính quyền đương nhiệm cũng phải thừa nhận rằng: thật công bằng khi đặt ra câu hỏi về chính xác chuyến đi của Biden đã mang lại điều gì. Ví dụ, đài CNN cho biết  rằng, Tổng thống Joe Biden trở về nhà sau bảy giờ đồng hồ ở vùng chiến sự của Israel với tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng trong tình trạng tồi tệ hơn so với khi ông đến. 

Theo Reuters, những người biểu tình đã tổ chức các cuộc biểu tình chống Israel khắp Trung Đông. Tại Lebanon, bạo lực bùng phát khi lực lượng an ninh đã bắn hơi cay và vòi rồng vào những người biểu tình đang ném đạn trong cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ ở phía bắc Beirut.

Các cuộc tuần hành do nhà nước bảo trợ đã được tổ chức trên khắp Iran, quốc gia ủng hộ Hamas và là kẻ thù không đội trời chung của Israel, với những người biểu tình mang theo các biểu ngữ có nội dung sặc mùi kích động “Cái chết cho nước Mỹ” và “Cái chết cho Israel”.

Và ngay tại Mỹ, hàng trăm nhà hoạt động vì hòa bình Do Thái đã tập hợp tại Washington kêu gọi chính quyền Biden và Quốc hội gây sức ép ngừng bắn.

Tờ CBS cho biết, đám đông biểu tình ngày 18/10 (giờ Mỹ) mặc áo phông đen in dòng chữ “Người Do Thái muốn ngừng bắn ngay bây giờ” và “Họ không nhân danh chúng tôi”. Họ tập trung tại một phần tòa nhà văn phòng Hạ viện Mỹ, ngồi trên sàn, cùng nhau vỗ tay và hát.

Cảnh sát Đồi Capitol cho biết họ đã yêu cầu người biểu tình dừng lại. “Chúng tôi đã bắt những người không tuân thủ yêu cầu”. Giới chức ước tính khoảng 300 người bị bắt. 

Một người biểu tình có tên là Hannah Lawrence, 32 tuổi nói: “Tổng thống Biden là người duy nhất có thể gây áp lực lên Israel và ông ấy cần dùng quyền lực của mình để cứu những sinh mạng vô tội”. Giống như Lawrence, rất nhiều  người biểu tình ở Đồi Capitol đã đặt niềm tin vào ông Biden như thế.

Nhưng niềm tin đó liệu có được lấp đầy bằng hy vọng hay không? Với những gì đang diễn ra sau chuyến công du của ông Biden, chỉ có thể nói rằng, hy vọng đó rất mong manh. Những gì mà hàng triệu người đang trông chờ ở tổng thống Mỹ bây giờ không phải là những tuyên bố mang tính tự huyễn bản thân đầy phù phiếm. Nói như Linda Holtzman, một giáo sĩ Do Thái  71 tuổi đến từ Philadelphia thì đây là lúc ông Biden cần “mở mắt ra”.