Các cuộc biểu tình tại các văn phòng của tập đoàn bất động sản Evergrande diễn ra trên khắp Trung Quốc. Làn sóng biểu tình xuất phát từ việc công ty này không giữ lời hứa với khoảng 70.000 nhà đầu tư. Các dự án bất động sản chậm tiến độ khiến hơn một triệu người mua nhà rơi vào tình cảnh “khốn đốn”, theo Bloomberg.
Người tiêu dùng mệt mỏi bao vây trụ sở của Tập đoàn Evergrande
Evergrande là Tập đoàn Bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc và lớn thứ 122 trên thế giới tính theo doanh thu (theo danh sách Fortune Global 500 năm 2021).
Báo cáo của Capital Economics cho biết, cuối tháng 6, có khoảng 1,4 triệu bất động sản mà Evergrande phải cam kết hoàn thành (tương đương 202 tỷ USD).
Tại Quảng Châu, người mua nhà đã bao vây trụ sở văn phòng để yêu cầu Evergrande khởi động lại các dự án bị đình trệ.
Tại Thâm Quyến, các nhà đầu tư bán lẻ bất mãn đã tập trung tại trụ sở chính của công ty trong ba ngày liên tiếp. Các video được chia sẻ rộng rãi trên internet về làn sóng biểu tình phản đối Evergrande.
Người tiêu dùng Trung Quốc mệt mỏi. Nguy cơ bất bình của người dân sẽ gia tăng, điều này tác động về mặt chính trị đối với ông Tập Cận Bình. Căng thẳng thị trường tín dụng lan truyền từ các công ty bất động sản sang các ngân hàng.
Các nhà đầu tư trên thế giới đã bắt đầu bán tháo 527 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc sẽ chao đảo nếu Evergrande sụp đổ
Theo giới quan sát, nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu đựng các tình huống xấu nhất.
Giám đốc Chanson & Co, Shen Meng, cho biết: “Evergrande phá sản sẽ tác động đến toàn bộ lĩnh vực bất động sản, giá nhà đất bị ảnh hưởng. Lợi nhuận trên toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ bị siết chặt. Nó cũng sẽ dẫn đến tình trạng bán tháo trên thị trường vốn một cách hoảng loạn”.
Hiện tại, hầu hết các chủ ngân hàng, nhà phân tích và nhà đầu tư khác đều cho rằng Bắc Kinh không “sẵn sàng” cho một khoảnh khắc vỡ nợ kiểu “Lehman Brothers”. Thay vì để cho sự sụp đổ hỗn loạn thành phá sản, họ dự đoán chính phủ sẽ can thiệp và cơ cấu lại đống nợ 300 tỷ đô la của Evergrande.
Giám đốc rủi ro của Quỹ Tái bảo hiểm Nông nghiệp Trung Quốc, Lý Long cho hay, tại Trung Quốc thị trường bất động sản là bong bóng lớn nhất: “Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra cũng có thể dẫn đến rủi ro có hệ thống cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc”. Nếu Evergrande sụp đổ, sự kiện này có thể buộc các ngân hàng phải cắt giảm lượng tiền nắm giữ; thậm chí đóng băng thị trường tiền tệ – hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, vụ đổ vỡ không chỉ tác động đến Trung Quốc mà còn gây ra những hậu quả trên toàn cầu.
Liệu ông Tập có tái cơ cấu hay “kết thúc” Evergrande?
Hiện ngành bất động sản chiếm khoảng 1/5 hoặc 1/4 nền kinh tế Trung Quốc.
Giám đốc công ty nghiên cứu Rhodium Group LLC có trụ sở tại Hồng Kông, Logan Wright cho biết: “Việc xây dựng bất động sản đình trệ trong thời gian dài, sẽ gây ra sự suy giảm đáng GDP; nhu cầu hàng hóa và có thể gây ra tác động thiểu phát trên toàn cầu”. (Thiểu phát là lạm phát ở mức rất thấp, đôi khi được coi là tình trạng trước giảm phát – một hiện tượng trái ngược với lạm phát nhưng cũng rất nguy hiểm với nền kinh tế).
Cổ phiếu của các công ty bất động sản lao dốc sau khi Evergrande bị hạ xếp hạng tín nhiệm và yêu cầu ngừng giao dịch trái phiếu trong nước. Một số ngân hàng ở Trung Quốc đang tích trữ đồng nhân dân tệ với giá cao nhất trong gần 4 năm. Họ có thể đang chuẩn bị cho tình huống “siết chặt thanh khoản trong chế độ khủng hoảng”.
Cuối cùng thì ông Tập sẽ vẽ đường ở đâu vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà chức trách vẫn chưa xác định liệu chính phủ có cho phép tái cơ cấu nợ lớn hoặc phá sản hay không?
Việc “kết thúc” Evergrande có thể phụ thuộc phần lớn vào quyết định của ông Tập. Đây là thời điểm đặc biệt khó khăn khi Trung Quốc phải đối mặt với suy thoái kinh tế; “đàn áp” sâu rộng khu vực tư nhân, căng thẳng gia tăng với Washington.