Site icon MUC News

Đại sứ Phần Lan tại Mỹ dự báo xung đột Ukraine: “Điều khủng khiếp dành cho Kiev”

Xung đột Nga - Ukraine ngày càng bùng phát với các cuộc tấn công trả đũa của cả hai bên. Điều đó đồng nghĩa là mỗi ngày sẽ tích tụ một cơ hội nhỏ dẫn đến nguy cơ Chiến tranh Thế giới xảy ra. (Ảnh tổng hợp)

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine,không có khả năng làm suy yếu lực lượng của Moscow trong vòng một năm”. Đây là lời thừa nhận phũ phàng của đại sứ Phần Lan Mikko Hautala tại Mỹ.

Tiên lượng bi quan

Theo Politico,  cuộc phỏng vấn với đại sứ Mikko Hautala xoay quanh việc Phần Lan gia nhập NATO và tình hình chiến sự ở Ukraine. Nhưng điều nổi bật nhất trong cuộc trò chuyện này chính quan điểm bi quan của đại sứ Phần Lan về tác động ngắn hạn của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Theo đại sứ Phần Lan, những thành công của Nga trong chiến dịch đặc biệt là “tin khủng khiếp” đối với Ukraine. Gồm những ý chính sau:

  1. Trong vài tháng qua, Nga đã thay đổi hướng đi và chiếm giữ thành công các tỉnh ở phía đông Ukraine, bao gồm cả những khu vực vốn chỉ được kiểm soát một phần bởi các lực lượng thân Nga. Chỉ trong tuần trước, quân đội Nga đã chiếm toàn bộ Luhansk sau 4 tháng giao chiến. Đây là lần đầu tiên Nga chiếm giữ toàn bộ một tỉnh của Ukraine kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.
  1. Người Nga có thể tiếp tục làm những gì họ đang thực hiện trong một thời gian rất dài, mà các lệnh trừng phạt (của Mỹ và châu Âu) không thể ngăn chặn điều đó.
  2. Nga vẫn còn rất nhiều đạn dược và bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, nước này vẫn có thể sản xuất hàng loạt vũ khí.
  3. Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng không thể xoay chuyển cục diện tại Ukraine ngay lập tức, bất chấp bằng cách nào đi nữa.
  4. Cuộc chiến tại Ukraine vẫn ở giai đoạn chủ yếu sử dụng  công nghệ thấp, cho phép Nga tiếp tục cung cấp tài chính cho quân đội và vũ khí hạng nặng bằng đồng rúp.

Tất cả những điều trên cho thấy, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine của Mỹ và EU đã không có tác dụng đảo ngược tình thế.

Đan Mạch đã cam kết cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon (ảnh chụp màn hình AFP).

Ukraine vẫn đang là chảo lửa

Tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra khá ác liệt. Ngày thứ 138 chiến sự, Nga tuyên bố lực lượng chiến đấu Ukraine ở Donbass đã chịu tổn thất nặng nề, trong khi Ukraine cảnh báo sẽ có cuộc phản công mạnh mẽ ở tỉnh Donetsk.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 11/7 cho biết: 

“Đối phương đang hứng chịu tổn thất đáng kể ở mọi hướng. Lữ đoàn đổ bộ đường không độc lập số 25 được quân đội Ukraine triển khai ở thành phố Seversk thuộc tỉnh miền đông Donetsk đang trong tình trạng nguy ngập. 70% binh lực của đơn vị này đã bị tiêu diệt sau các trận giao tranh”.  

Theo CNN, Nga đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu SU-25 và 1 máy bay phản lực MIG-29 của Ukraine ở khu vực Donetsk. Nga cũng đã phá hủy hai nhà chứa máy bay lưu trữ pháo M777 do Mỹ sản xuất ở Kostiantynivka, phía bắc Donetsk. 

Một đơn vị pháo binh Ukraine và kho chứa vũ khí trong một nhà máy sản xuất gốm sứ ở Sloviansk cũng là mục tiêu tập kích của lực lượng Nga. 

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố sử dụng vũ khí chính xác cao tấn công vị trí đóng quân của lực lượng Ukraine tại thành phố Chasov Yar thuộc tỉnh Donetsk, khu tập kết của lính đánh thuê nước ngoài tại tỉnh miền bắc Kharkov, cùng hàng loạt kho đạn dành cho tổ hợp pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và pháo tự hành 2S7 Pion do Mỹ cung cấp cho Ukraine ở tỉnh miền trung Dnipro. 

Chưa có thông tin xác nhận độc lập về việc quân đội Nga đã tiêu diệt các tổ hợp pháo HIMARS, do Mỹ cung cấp.

Ukraine cũng không xác nhận các hệ thống này bị phá hủy. Bởi nếu xác nhận tổ hợp HIMARS của Mỹ bị phá hủy, đồng nghĩa với việc quân đội nước này không có cách nào để bảo vệ chúng khỏi sự truy kích của Nga.

Nga- Mỹ nguy cơ đối đầu vì HIMARS

Nhà phân tích quân sự, Samuel Ramani cho rằng, quyết tâm của Nga nhắm mục tiêu cụ thể vào các lô hàng HIMARS từ Mỹ đến Ukraine” – có thể là do quân đội Nga nhận thức rõ ràng rằng các hệ thống này có hiệu quả cao và Ukraine không thể bảo vệ chúng. 

Nếu đúng như vậy, việc Nga quyết tâm phá hủy HIMARS cũng khiến Mỹ và Nga tiến gần hơn đến một cuộc xung đột trực tiếp, vì quân đội Nga dường như đang tìm kiếm bất kỳ loại vũ khí nào được cung cấp bởi các quốc gia thuộc NATO. 

Việc Mỹ cung cấp pháo phản lực HIMARS cho Ukraine có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các khu vực do Nga kiểm soát, cũng khiến nguy cơ đối đầu trực tiếp ngày càng trở thành hiện thực.  

Nga vừa cáo buộc Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích “mục tiêu dân sự” ở ngoại ô thành phố Novaya Kakhovka thuộc vùng Kherson phía nam của Ukraine vào đêm 11/7. 

Hình ảnh được cho là kho đạn của Nga ở Kherson phát nổ khi bị lực lượng Ukraine tấn công (Ảnh chụp qua màn hình)

Trong khi Kiev cho biết họ đã tấn công mục tiêu quân sự và kho đạn Nga ở Kherson, nhưng không tiết lộ chủng loại vũ khí trong đợt tập kích.

Những chiếc M142 HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã phản ánh những nguy hiểm đối đầu. 

Moscow từng tuyên bố sẽ phản ứng ngay lập tức nếu Nga bị tấn công bằng các hệ thống vũ khí tầm xa. Người đứng đầu phái đoàn Nga phụ trách đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ trang tại Vienna, ông Konstantin Gavrilov tuyên bố: 

“Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc Ukraine được cung cấp các lựu pháo tầm xa, Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống phóng tên lửa hàng loạt (MLRS). 

Đây là những hệ thống không chỉ đe dọa đến Donbass mà còn cả Nga. Chúng tôi đã khẳng định rõ lập trường của mình rằng: Nếu Nga bị tấn công bằng các hệ thống tầm xa này, phản ứng nhằm vào các trung tâm ra quyết định sẽ diễn ra ngay lập tức”.

Rõ ràng chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như muốn khiêu khích Nga và leo thang xung đột tại Ukraine. 

Rủi ro quá lớn khi xung đột Nga – Ukraine leo thang

Dù các cuộc giao tranh trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung tại khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine nhưng Nhà Trắng lo ngại nó có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Về phía Mỹ, chính quyền Joe Biden muốn kéo dài chiến tranh để làm “suy yếu” Nga cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cảnh báo trong diễn văn tại Điện Kremlin ngày 7/7, khi họp với lãnh đạo của Hạ viện Nga (Duma Quốc gia):

Hôm nay chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Vậy tôi có thể nói gì? Hãy để họ thử. 

Chúng ta đã nghe rất nhiều về việc phương Tây muốn chống lại Nga “đến người Ukraine cuối cùng”. Nhưng mọi người nên biết rằng, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc.

Đồng thời, chúng ta không từ chối các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng những người đang bác bỏ chúng nên biết rằng càng kéo dài, họ càng khó đàm phán với chúng ta.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” vì xâm lược Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).

Trong khi ấy, các nhà lãnh đạo Ukraine muốn tiến xa hơn khi yêu cầu Mỹ và NATO viện trợ vũ khí hạng nặng, để nước này tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Tất nhiên Nga có đủ tên lửa hành trình để san bằng mọi tòa nhà chính phủ ở thủ đô Kiev, nhưng họ vẫn chưa làm được điều đó. 

Tương tự, lực lượng Ukraine có thể tăng cường các cuộc tấn công qua biên giới Nga bằng pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp, nhưng phải hạn chế tối đa các cuộc xâm nhập này. 

Trong khi ấy Mỹ luôn giữ thế sao cho “cân bằng” xung đột, để Ukraine không vượt ngưỡng dẫn để việc Nga coi Mỹ là bên đang “tham chiến” trực tiếp với Nga ở Ukraine. 

Tuy nhiên, chính quyền Joe Biden đã “nhiệt tình” hỗ trợ chính quyền Kiev, với mức độ viện trợ được cho là cực kỳ “bất thường” và ngày càng tăng, bao gồm các biện pháp trừng phạt, chia sẻ thông tin tình báo, chuyển giao vũ khí và tiền chỉ có thể khiến xung đột tại Ukraine ngày càng leo thang nguy hiểm.

Mỗi ngày xung đột Nga – Ukraine ngày càng bùng phát với các cuộc tấn công trả đũa của cả hai bên. Điều đó đồng nghĩa là mỗi ngày sẽ tích tụ một cơ hội nhỏ dẫn đến nguy cơ lớn xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 3.

Có thể bạn quan tâm: