Campuchia đã đóng cửa các chợ ở thủ đô Phnom Penh, kéo dài thời gian phong tỏa vượt quá hai tuần. Một số khu vực được chỉ định là vùng cảnh báo đỏ và cấm người dân ra ngoài. Điều này đã tạo ra tình trạng khẩn cấp về lương thực cho nhiều công nhân dệt may và các công nhân khác, theo SCMP.
- Campuchia muốn ‘làm em’ của cả Mỹ và Trung Quốc
- Biển Đông: Mỹ ra tay khi Campuchia sắp thành ‘thuộc địa’ của Trung Quốc
- Campuchia ‘theo Trung Quốc’ mạnh tay đàn áp tiếng nói của người dân
Chính phủ Campuchia đã phong tỏa hai tuần để ngăn chặn sự gia tăng các trường hợp Covid-19 ở thủ đô Phnom Penh. Họ đã cắt nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng nghìn công nhân may mặc, người bán hàng ở chợ; và những người khác sống sót bằng thu nhập hàng ngày.
Ngày 14/4, Thủ tướng Hun Sen công bố các quy định hạn chế chỉ cho phép những người làm những công việc thiết yếu như giao hàng, nhà hàng, nhà máy cung cấp thực phẩm và y tế, với các gia đình được phép đến chợ ba lần một tuần.
Vài ngày sau, chính phủ tuyên bố bốn xã và ba làng là “vùng đỏ”, cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ lý do y tế.
Người dân Campuchia ở vùng đỏ “bị đói”
Hôm 24/4, thành phố Phnom Penh đã ra lệnh đóng cửa tất cả các chợ công cộng trong hai tuần; khiến việc tiếp cận thực phẩm của người dân càng trở nên căng thẳng.
Công nhân may mặc Un Sopheap, đã bị cách ly kể từ ngày 9/4 cho biết, cô đã nhận được một phần lương và một khoản phụ cấp nhỏ khoảng 135 USD. Nhưng giờ không thể ra ngoài mua thực phẩm tươi sau khi khu nhà bị chỉ định là “khu vực đỏ”.
Điều này có nghĩa là cô ấy đã 4 ngày liên tiếp chỉ ăn cơm với nước tương, đôi khi với trứng.
“Khi tôi chỉ ăn loại thức ăn đó…. Tôi không có đủ năng lượng và tôi không thể rời khỏi phòng của mình để đón không khí trong lành từ bên ngoài”, cô nói với This Week in Asia. “Việc này làm cho tôi thất vọng”.
Cô Sopheap cho biết, các nhân viên cảnh sát được trang bị súng cầm tay và dùi cui gỗ liên tục tuần tra trong khu nhà.
Ban đầu chính phủ cung cấp gạo, mì gói, cá hộp và nước sốt. Sau đó, thủ tướng tuyên bố chính phủ sẽ “gặp khó khăn” nếu đáp ứng nhu cầu của tất cả các gia đình. Họ bèn chuyển sang bán các sản phẩm này. Trong đó có loại nước đóng chai do Prime (con gái Thủ tướng Hun Sen) sở hữu.
Khoảng 48.000 người tham gia xin viện trợ khẩn cấp
Trong khi đó, số người đi xin thực phẩm đang tăng lên; đã có hơn 48.000 người đã tham gia một cuộc trò chuyện Telegram do thành phố thiết lập để xin viện trợ khẩn cấp.
Một người đã viết vào tối 23/4: “Tôi đã cầu cứu cách đây 5 ngày và tôi chưa nhận được bất kỳ thứ gì”.
Phường Choam Chao I (thuộc vùng đỏ) đã hết cá hộp, nước tương và nước mắm để phân phát cho người dân, chỉ còn lại gạo và nước đóng chai quyên góp.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới Campuchia, Claire Conan cho biết, họ có thông tin “hạn chế” về mức độ đói ở các vùng đỏ. Lý do là vì họ không được tiếp cận những khu vực này; và các chính sách của chính phủ thay đổi nhanh chóng.
Bà cho biết, Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến nhiều người đói hơn trước. Bà lưu ý rằng, các nhu cầu về chế độ ăn uống; đặc biệt cho người già, phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh “sẽ cần được giải quyết nếu các biện pháp kéo dài thời gian”.
Ngày 25/4, chính phủ Campuchia đã ra lệnh cho hàng chục nghìn người sống trong các khu vực đỏ của Phnom Penh phải được kiểm tra Covid-19; mà không nêu rõ họ nên làm như thế nào.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, phản ứng của chính phủ “mất kiểm soát”
Điều phối viên của nhóm vận động lao động Central, Khun Tharo gọi phản ứng của chính phủ là “mất kiểm soát”. Ông lưu ý, các xưởng may dày đặc và các khu nhà ở ký túc xá của họ từ lâu được cho là có nguy cơ cao lây truyền Covid-19.
Ông nói thêm, việc cách ly cư dân “vùng đỏ” trong không gian sống nhỏ cũng không giúp ích gì cho sức khỏe của họ. “Bây giờ thực sự đã quá muộn và chính phủ đã phản ứng chậm chạp với tình hình”.
Đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất ở Campuchia bắt đầu vào cuối tháng 2, khi hai công dân Trung Quốc trốn khỏi vùng kiểm dịch.
Đến ngày 25/4, tổng số ca nhiễm lên đến 9.975 người, với 616 trường hợp nhiễm mới hàng ngày. Cũng có 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 74 người.
Công nhân may mặc Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19
Tình trạng lây nhiễm gia tăng gần đây đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp may mặc; buộc tất cả các nhà máy dệt ở Phnom Penh phải đóng cửa.
Doanh nghiệp Din Han – nhà sản xuất cho Adidas – là một trong những điểm nóng bùng phát với hơn 500 ca lây nhiễm.
Chủ tịch công đoàn địa phương, Bun Vann đã kêu gọi đồng nghiệp tại Nhà máy New Orient – nhà sản xuất The North Face – đi xét nghiệm; sau khi hơn 20 đồng nghiệp bị nhiễm bệnh.
“Trong nhà máy, chúng tôi không có tiêu chuẩn về sự giãn cách xã hội, vì chúng tôi không có bất kỳ không gian nào bên trong nhà máy”, ông Vann cho biết. Ông nói thêm rằng Din Han và New Orient có cùng một chủ sở hữu; các công nhân thường sống cùng nhau, khiến lây nhiễm càng dễ dàng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Campuchia, Ath Thorn cảnh báo, kỳ trả lương tiếp theo của người lao động đang đến gần; nhưng họ sẽ không thể nhận tiền lương nếu không được rời khỏi nhà.
Bộ Lao động và Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc của Campuchia kêu gọi các nhà máy hỗ trợ tài chính cho người lao động.
Ông Thorn nói: “Tôi nghĩ rằng chính phủ không phải là một chính phủ giàu có, tất cả chúng ta đều đồng ý (với điều đó)”.
“Nhưng ít nhất nó phải đáp ứng cho những người nghèo và những người bị làm cho nghèo dưới chế độ cấm vận”, ông Thorn nói thêm.