Trong 3 cảnh sát liên quan đến vụ đánh học sinh ở Sóc Trăng ngày 25/9 có 1 đại úy, 1 thượng úy, 1 trung úy.
Theo tờ báo ngành công an, 3 cảnh sát thuộc Tổ tuần tra Đội CSGT-TT Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có hành vi bạo lực với học sinh gồm: Đại úy Châu Minh Trung, Trung úy Nguyễn Quang Thái, Thượng úy Đoàn Tấn Phong.
Những cảnh sát này trong quá trình đuổi bắt 2 học sinh vi phạm giao thông bỏ chạy đã đấm, đá, dùng bạo lực. Camera giám sát của nhà kho đã ghi lại hình ảnh này, sau đó clip được đưa lên mạng xã hội gây dư luận.
Phía công an Sóc Trăng, tối 28/9, ông Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết đã tạm đình chỉ công tác 2 tháng với 4 cảnh sát này để điều tra tiếp. Ông Sol nói, đã báo cáo sự việc lên Bộ Công an và hứa “ai sai đến đâu sẽ xử nghiêm đến đó”.
Có thể bị xử lý về tội giết người?
Theo tìm hiểu của Zing dưới góc độ pháp luật, hành vi cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu học sinh của cảnh sát có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, luật sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & Cộng sự, TP. HCM) cho biết: Cảnh sát chỉ được dùng vũ lực với 2 nam sinh trong trường hợp để ngăn chặn nếu 2 người này tiếp tục chạy xe ẩu, lạng lách và có thể gây nguy hiểm với những người xung quanh. Trong video, 2 nam sinh đã dừng xe và không gây tổn hại gì, cảnh sát chỉ được quyền xử phạt tại chỗ hoặc tạm giữ xe máy để xử lý.
Với tình huống như trong video, các cảnh sát dùng bạo lực có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 hoặc tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ theo Điều 137.
Trong đó, trường hợp cảnh sát trật tự ngồi sau đánh cả 2 nam sinh có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 137 BLHS 2015, hình phạt là 2-7 năm tù.
Cũng theo luật sư Tô, trong video, khi nam sinh lái xe tháo mũ bảo hiểm, cảnh sát trật tự vẫn cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu tài xế. Hành vi này của cảnh sát trật tự có thể bị xem xét xử lý về tội Giết người.
Ông Tô phân tích, mũ bảo hiểm nếu đạt chuẩn sẽ rất cứng, có thể cản được những vật cứng tác động. Đây có thể coi là hung khí nguy hiểm. Còn đầu là phần trọng yếu của cơ thể, quyết định sự sống chết của con người nếu bị tác động.
“Phải xét đến yếu tố cảnh sát có cố ý muốn gây tổn hại sức khỏe cho bị hại hay không. Nếu hành vi diễn ra liên tục, việc cảnh sát cầm mũ bảo hiểm (hung khí nguy hiểm) đánh vào đầu nam sinh (vùng trọng yếu cơ thể) đã cấu thành tội Giết người”, luật sư Tô phân tích.
Cũng trên Zing, bài viết khác xuất bản trưa 29/9 dẫn lời một thẩm phán của TAND tỉnh Sóc Trăng nói, gia đình 2 nam sinh bị đánh nên sớm làm đơn tố cáo những cảnh sát đã đánh các em. Theo vị này, việc cảnh sát dùng gậy chỉ huy giao thông và mũ bảo hiểm đánh các em là thể hiện hành vi côn đồ.
Có thể bạn quan tâm