Site icon MUC News

Dính bẫy nợ Trung Quốc: Nguy cơ từ châu Á đến châu Phi

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ dính bẫy nợ Trung Quốc (ảnh chụp màn hình TFIGlobal).

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ dính bẫy nợ Trung Quốc (ảnh chụp màn hình TFIGlobal).

Uganda gần đây đã trở thành một trong số quốc gia dính bẫy nợ Trung Quốc. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc có thể tiếp quản Sân bay Entebbe và các tài sản khác của Uganda; do quốc gia châu Phi này không thể hoàn trả khoản nợ 207 triệu USD từ Trung Quốc.

https://cdn.mucnews.com/wp-content/uploads/2021/12/dinh-bay-no-trung-quoc.mp3
(Mời độc giả nghe bài qua Audio)

Bắc Kinh đã rót khoản tiền này cho Uganda trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bị cáo buộc là bày ra những chiếc bẫy nợ khổng lồ cho các nước tiếp nhận.

Vụ việc của Uganda là lời cảnh tỉnh đối với các quốc gia về nguy cơ dính bẫy nợ Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2018, Sri Lanka đã buộc phải nhượng cảng biển Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng 99 năm. Một sân bay gần đó của Sri Lanka cũng rơi vào bàn tay của Bắc Kinh. Năm 2020, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tiếp quản phần lớn mạng lưới điện của Lào.

Trường hợp dính bẫy nợ Trung Quốc của Uganda

Theo một báo cáo vào tháng 9 năm 2021 của dự án AidData tại Đại học William và Mary ở Hoa Kỳ, Uganda đã nhận 144 dự án do Trung Quốc tài trợ từ năm 2000 đến năm 2017, và các khoản nợ công (sovereign debt) đối với Trung Quốc chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Uganda.

Nhưng các khoản nợ ẩn giấu của Uganda đối với Trung Quốc không được báo cáo công khai.

Trong bài phân tích trên BenarNews, ông Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown cho biết: “Khoảng 70% nguồn tài trợ Vành đai – Con đường của Trung Quốc là dưới hình thức cho vay, không phải viện trợ không hoàn lại.”

Các khoản cho vay này là cho vay thương mại. Chúng được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và các tổ chức cho vay khác của Trung Quốc.

Vì cho vay thương mại, nên Trung Quốc yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Theo ông Abuza, “đôi khi Trung Quốc buộc bên vay phải có một số tài sản nhất định trong ngân hàng Trung Quốc mà có thể bị phong tỏa; cũng có lúc, nước vay phải có tài sản thế chấp, và tài sản này sẽ bị tịch thu nếu không trả được nợ”.

“Rất ít khoản cho vay Vành đai – Con đường của Trung Quốc có lợi cho người đi vay. Lãi suất trung bình khoảng 4%, cao gần gấp 4 lần so với các khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản, Châu Âu hoặc Mỹ.”

Hơn nữa, giáo sư Abuza cho biết các dự án Vành đai – Con đường “có cơ chế giải quyết tranh chấp nghiêng về phía Trung Quốc”. 

Còn một loại cho vay khác – được gọi là Dòng tiền chính thức khác (OOF) – liên quan đến các công ty nhà nước, ngân hàng quốc doanh, liên doanh và các tổ chức khu vực tư nhân, thay vì ngân hàng trung ương. Như vậy, không phải lúc nào nó cũng được báo cáo công khai.

Báo cáo năm 2021 của dự án AidData cho thấy rằng vì các “khoản nợ tiềm ẩn” này, chính phủ Uganda đã “báo cáo thiếu các nghĩa vụ trả nợ thực tế và tiềm tàng đối với Trung Quốc với số tiền tương đương 5,8% GDP của nước này”.

Trung Quốc không cho phép đàm phán lại các điều khoản cho vay

Giáo sư Abuza cho biết: “Tất nhiên, giờ đây, Trung Quốc có thể đàm phán lại các điều khoản cho vay, hoặc xóa nợ, coi đó như một khoản trợ cấp. Nhưng Bắc Kinh tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đàm phán lại”. 

Thật vậy, vào tháng 3 năm 2021, chính phủ Uganda đã cử một phái đoàn tới Bắc Kinh để đàm phán lại các điều khoản cho vay, nhưng phải trở về trắng tay.

Theo giáo sư Abuza, Bắc Kinh không chịu đàm phán lại điều kiện cho vay. Lý do là Trung Quốc sợ tạo ra tiền lệ. Nếu một quốc gia có thể đàm phán lại các điều khoản, tất cả các quốc gia khác sẽ đưa ra yêu cầu tương tự.

Đông Nam Á đứng trước nguy cơ dính bẫy nợ Trung Quốc

Theo báo cáo từ dự án AidData, Trung Quốc đã cung cấp 10,7 tỷ USD viện trợ không hoàn lại cho 4 quốc gia Đông Nam Á từ năm 2000 đến 2017, và 87,7 tỷ USD vay OOF cho 6 quốc gia trong khu vực.

Tại Đông Nam Á, chỉ có Singapore là không vay nợ từ Bắc Kinh. Tại các nước vay nợ, tỉ lệ nợ công Trung Quốc so với GDP dao động từ 1% ở Campuchia đến 29% ở Lào. Myanmar đứng thứ hai (5%), sau Lào. Tiếp theo là Việt Nam (3%). Một số nước không có nợ công đối với Trung Quốc. Ngoại trừ Lào, thì tỉ lệ nợ công của khu vực Đông Nam Á đối với Trung Quốc trung bình là 1,4% GDP, một mức độ khiêm tốn.

Nhưng các khoản nợ ẩn cho thấy một “câu chuyện khác”, theo giáo sư Abuza. Tỉ lệ này ở Lào là 35 phần trăm GDP, tiếp theo là Brunei (14%), Myanmar (7%), Việt Nam (3%), Indonesia (2%) và Campuchia (1%). Nếu không bao gồm Lào, thì nợ ẩn của khu vực đối với Trung Quốc trung bình là 3,4%, cao gấp đôi số nợ công.   

Giáo sư Abuza viết: “Mặc dù 3,4% không phải là cao bất thường, nhưng hãy nhớ rằng những khoản vay đó ở lãi suất cho vay thương mại và hầu như tất cả đều được thế chấp.”

Ông Abuza nhận định Lào khó trả được khoản nợ Trung Quốc. Hơn nữa, tình trạng sụt giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các quốc gia Đông Nam Á.

“Mức độ mắc nợ công cao của khu vực – và nỗi lo bị Trung Quốc tịch thu tài sản – nên thu hút rất nhiều lo ngại từ cả chính phủ các nước Đông Nam Á và người dân của họ”, theo giáo sư Abuza. 

Ông cũng viết: “Sáng kiến Vành đai – Con đường phụ thuộc quá nhiều vào công nhân và nhà quản lý Trung Quốc, những người có xu hướng không trở về nước, xây dựng kém chất lượng, suy thoái môi trường và tham nhũng, nên những điều đó càng làm dấy lên những lo ngại.”