Cảnh sát Bangladesh đã nã súng vào người dân của mình, khi họ biểu tình đòi lương từ các quan chức Trung Quốc vận hành một nhà máy nhiệt điện than ở Bangladesh.
Cuộc biểu tình xảy ra tại nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc vận hành ở Bangladesh vào ngày 17/4. Những người công nhân bản địa đòi lương từ các ông chủ người Trung Quốc; đồng thời yêu cầu nhà máy phải cải thiện điều kiện làm việc.
Trang BenarNews dẫn tin từ các nhân chứng và quan chức Bangladesh cho biết, cảnh sát đã tới cuộc biểu tình và nổ súng vào chính những công dân của mình để bảo vệ người Trung Quốc. Trang tin cho biết ít nhất 5 người đã thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương.
Vụ việc xảy ra tại một cơ sở vẫn đang trong xây dựng của nhà máy nhiệt điện ở Banshkhali, thuộc huyện Chittagong, cách thủ đô Dhaka 292 km về phía đông nam. Nhà máy này thuộc sở hữu của một tập đoàn Bangladesh và hai công ty Trung Quốc.
Người dân Bangladesh biểu tình đòi lương từ các quan chức Trung Quốc
Ông Md Zakir Hossain Khan, một quan chức cảnh sát cấp cao ở vùng Chittagong, cho biết mối quan hệ giữa 900 công dân Trung Quốc và khoảng 4.000 người dân địa phương làm việc tại nhà máy đã trở nên căng thẳng. Các công nhân địa phương bất bình về tình trạng nợ lương và yêu cầu được giảm giờ làm trong tháng Ramadan.
“Có những vấn đề giữa công nhân địa phương và các quan chức, người lao động Trung Quốc”, ông Khan nói với BenarNews. Ông giải thích: “Nếu cảnh sát không nổ súng, tình trạng bất ổn có thể dẫn đến những vụ việc rất, rất nghiêm trọng.”
Các công nhân Bangladesh đã gặp các quan chức dự án Trung Quốc hôm thứ Bảy (17/4) để cố gắng giải quyết các tranh chấp. Nhưng “một số người dân địa phương đã vào khu vực dự án, phá vỡ các bức tường ranh giới và kích động các công nhân nổi cơn thịnh nộ”, cảnh sát Khan nói.
Cảnh sát Bangladesh nã súng vào người dân đòi lương để bảo vệ quan chức Trung Quốc
Hội đồng Quyền của Người lao động Bangladesh cho biết 100 công nhân đã bị thương trong vụ nổ súng; trong đó nhiều người đang ở tình trạng nguy kịch.
Ông Moshiur Rahman, nhân viên của một công ty Bangladesh tại địa điểm, nói với BenarNews rằng anh đã phải trèo qua tường để chạy trốn khỏi hiện trường khi cảnh sát bắn dữ dội.
“Người Trung Quốc lẽ ra phải trả những khoản lương còn thiếu. Các công nhân yêu cầu giảm giờ làm việc trong tháng Ramadan”, ông Rahman nói. Ông cho biết các công nhân bị“ mắc kẹt bên trong” khi nhà máy bị cảnh sát bao vây.
“Cảnh sát đã bắn chúng tôi để cứu các công dân Trung Quốc”, ông Rahman thốt lên.
Ông Rahman nói tiếp: “Tôi đang ở bên trong khu phức hợp nhà máy điện khi vụ bạo lực nổ ra. Quy mô vụ bắn rất dữ dội, tôi sợ rằng sẽ có rất nhiều người thiệt mạng”.
“Tôi thoát chết nhờ trèo tường của nhà máy để nhảy ra ngoài”.
Dự án nhiệt điện của Trung Quốc bị người dân phản đối ngay từ đầu
BenarNews cho biết sự cố hôm 17/4 không phải là lần đầu tiên xảy ra đổ máu tại nhà máy nhiệt điện.
Dự án này của Trung Quốc ngay từ đầu đã bị người dân biểu tình phản đối; do lo ngại nó sẽ gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân trong khu vực.
Vào thời điểm dự án được thông qua năm 2016, người dân biểu tình, cảnh sát đã nổ súng vào đám đông, khiến 4 người thiệt mạng.
Dự án nhà máy nhiệt điện có tổng chi phí là 2,49 tỷ USD. Trung Quốc tài trợ 70% chi phí, theo thông tin trên trang web của S. Alam Group. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất 1.320 MW điện vào năm 2023.
“Nhưng tôi không nghĩ là họ có thể kịp sản xuất đúng thời hạn”, theo ông Mohammad Hossain, cục trưởng cục năng lượng điện thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Bangladesh, nói với BenarNews.
Hai công ty Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng Điện lực SEPCOIII và Tập đoàn Phát triển HTG có 30% cổ phần trong dự án, theo số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản.
Bangladesh dính bẫy nợ Trung Quốc?
Các nhà quan sát nghi ngại Bangladesh là một trong số các nước dính vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc.
Bangladesh đang xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng công suất điện của Bangladesh đã vượt quá nhu cầu hiện tại; và than đắt hơn các nguồn năng lượng khác do nước này phải nhập khẩu.
Vào tháng 9 năm 2020, chính phủ Bangladesh tiếp tục ký cấp phép xây dựng nhà máy nhiệt điện than thứ hai tại Payra thuộc huyện ven biển Patuakhali, gần Sundarbans, một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.
Nhà máy nhiệt điện than đầu tiên tại Payra đã bị tạm dừng một thời gian ngắn vào tháng 6 năm 2019; sau khi một công nhân Bangladesh rơi xuống sân thượng tử vong. Sau đó một cuộc ẩu đả xảy ra khiến một công nhân Trung Quốc thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên một công nhân nước ngoài thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tại một nơi làm việc ở Bangladesh.