Đối ngoại sôi động: Biden – Tập Cận Bình đến Việt Nam; Miền Bắc khát điện, miền Tây đói lũ… là 2 trong 9 sự kiện toàn cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2023.
Đối ngoại sôi động: Biden – Tập Cận Bình đến Việt Nam
Vào tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thành quả lớn nhất trong chuyến thăm của ông Biden tới Hà Nội là việc hai nước chính thức nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra chương mới trong quan hệ song phương Việt – Mỹ.
Không lâu sau chuyến thăm của ông Biden, vào tháng 12/2023, ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc sang Việt Nam. Chỉ ít giờ sau khi đặt chân tới Hà Nội, ông Tập đã đi nghe báo cáo về việc “Việt – Trung ký kết 36 văn kiện hợp tác”. Ngoại giới bình luận chuyến trở lại Việt Nam sau 6 năm của ông Tập mang tính cấp bách nhằm thúc đẩy Việt Nam “cùng chung vận mệnh” với Trung Quốc – điều mà Hà Nội gọi là chia sẻ “tương lai chung”.
Chỉ trong vòng 3 tháng, Việt Nam tiếp đón nguyên thủ của Mỹ, Trung là phép thử cho việc liệu có ‘chọn bên’ trong quan hệ đối ngoại hay không. Chưa kể xen kẽ vào đó, cuối tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản cũng nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong bối cảnh các mối quan hệ địa chính trị toàn cầu trở nên ngày càng phức tạp, việc các cường quốc hướng đến Việt Nam vừa là tin mừng giúp gia tăng vị thế, cũng là kiểm định cho chính sách ngoại giao ‘cây tre’ của Việt Nam sẽ ứng phó ra sao.
Bầu Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ
Ngày 18/1/2023, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông giữ vị trí được nửa nhiệm kỳ.
Ông Phúc từ nhiệm sau khi T.Ư Đảng kết luận rằng ông “chịu trách nhiệm chính trị” của người đứng đầu Chính phủ (giai đoạn 2016 – 2021) khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng trong vụ Việt Á.
Đến ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng được Quốc hội thông qua kết quả bầu ông vào chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tăng trưởng kinh tế khó khăn, bất động sản ảm đạm
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế Việt Nam trải qua một năm khó khăn khi mức tăng trưởng đạt khoảng 4,7% (theo dự đoán từ Ngân hàng Thế giới WB), thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là trên 5%.
Xuất khẩu năm 2023 ước đạt khoảng 354 – 355 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%). Dù vậy, con số được nhiều người đánh giá là lạc quan khi đến hết tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn duy trì thặng dư với con số xuất siêu 25,86 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Bất Động sản tiếp tục một năm điêu đứng. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khác với nhận định thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và từ năm 2023 dần phục hồi, ông cho rằng để phục hồi phải đợi thêm 2,3 năm thậm chí là đến 5 năm. Ông nhận định thêm, kinh tế năm 2024 còn phải “chạy ăn” thì thị trường bất động sản còn ảm đạm.
Miền Bắc khát điện, miền Tây đói lũ
Hè 2023, nhất là giai đoạn tháng 5 tháng 6, miền Bắc đối mặt cơn ‘khát’ điện. Nhiều khu vực bị cắt điện, có bị cắt điện luân phiên trong thời gian dài dưới điều kiện thời tiết oi bức. World Bank ước tính phí tổn kinh tế của các đợt mất điện hồi đầu hè, tháng 5, 6 ở miền Bắc vào khoảng 0,3% GDP, tương đương 1,4 tỷ USD.
Tập đoàn Điện lực EVN lý giải miền Bắc thường xuyên bị mất điện là vì lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Tuy nhiên, giới quan sát không loại trừ các nguyên nhân khác như các nhóm lợi ích, đầu cơ ngành điện cố tình khiến tình hình thiếu điện trở nên trầm trọng để tư lợi, ép buộc nhà nước nhượng quyền, đòi tăng giá điện…
Trong khi đó, năm nay mực nước lũ miền Tây thấp hơn bình thường trên 1m, khiến người dân nơi đây chính thức ‘đói lũ’. Nhiều thời điểm, mực nước sông Mekong tương đồng với năm khô hạn lịch sử 2015. Hàng triệu người dân trong khu vực trồng lương thực bị ảnh hưởng, ‘đói lũ’ cũng khiến hạn mặn đến sớm và gay gắt hơn.
Khủng hoảng đăng kiểm
Khủng hoảng đăng kiểm, hay còn gọi là bê bối đăng kiểm diễn ra trong năm 2023 đã khiến hàng trăm nghìn chủ phương tiện, tài xế khốn khổ. Sau khi hàng loạt vụ bê bối đòi tiền hối lộ trong ngành được phanh phui, dẫn đến loạt quan chức đầu ngành, trong đó có Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị bắt, khiến hoạt động đăng kiểm ở Việt Nam ‘vỡ trận’.
Có thời điểm trong tháng 3/2023, cả nước có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động. Trước khi xảy ra khủng hoảng, toàn ngành đăng kiểm có 2014 đăng kiểm viên. Hiện cả nước có 958 đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố, xin nghỉ việc hoặc bỏ việc (trong đó có khoảng 800 ĐKV bị khởi tố).
Do lượng thiếu hụt đăng kiểm viên, đến nay nhiều địa phương vẫn còn chịu hậu quả từ khủng hoảng. Tới nay, còn 11 địa phương đối diện nguy cơ ùn tắc, gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.Hồ Chí Minh và Trà Vinh.
Vụ cháy chung cư mini thảm khốc ở Hạ Đình
Vụ hỏa hoạn chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra ở tòa chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội vào tối ngày 12 tháng 9 năm 2023. Vụ hỏa hoạn đã làm ít nhất 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Đây là vụ cháy có số người thương vong lớn nhất tại Việt Nam kể từ vụ hỏa hoạn Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002.
Nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân đã được tổ chức ở Hà Nội và các nơi. Sau vụ hỏa hoạn thảm khốc này, việc kiểm tra các chung cư mini trên địa bản Hà Nội đã cho thấy hiện trạng mất an toàn PCCC ở các dãy nhà này.
Số tiền chiếm đoạt khổng lồ trong Đại án Vạn Thịnh Phát
Số tiền trong vụ đại án này lập những kỷ lục khủng khiếp trong lĩnh vực tố tụng Việt Nam. Cụ thể cáo buộc của Cơ quan điều tra về Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho thấy đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng tổng cộng 415 nghìn tỷ đồng.
Số tiền chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD. Và nếu quy đổi ra tiền mệnh giá 500 nghìn đồng, nó có thể xếp kín khoảng 840 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Một chi tiết khác, nhóm của Trương Mỹ Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB, tổng số tiền giải ngân 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% tổng số tiền cho vay của ngân hàng này.
Số tiền này chiếm khoảng 22,6% so với quy mô GDP Việt Nam tới cuối quý 3 năm nay (4,7 triệu tỉ đồng). Nếu so với GDP Việt Nam năm 2022 (409 tỉ USD), con số bị cáo buộc 1.066.000 tỉ đồng (43,96 tỉ USD) bằng khoảng 10,7%.
Giá vàng xô đổ kỷ lục, lãi suất huy động ngân hàng chạm đáy
Cuối tháng 12/2023 chứng kiến giá vàng tăng phi mã, hôm sau sô đổ kỷ lục phiên hôm trước. Lần lượt các mốc kỷ lục 76, 77, 78, 79, 80 triệu đồng/lượng vàng (mua vào) đã bị phá.
Các chuyên gia nhận định, trong khi các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định cùng với lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu…, dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng. Điều này giúp giá vàng liên tục tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại.
Ở chiều ngược lại, lãi suất huy động ngân hàng chạm đáy. Hôm 25/12, Vietcombank hạ lãi suất huy động đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng chỉ còn 1,9%/năm – mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Trong bối cảnh ngân hàng “thừa tiền”, tình cảnh cho vay ảm đạm, lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân cũng không còn chênh lệch đáng kể so với nhóm có vốn Nhà nước.
Thể thao Việt Nam: Ngôi đầu Sea Games, thất bại Asiad 19
Tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 ở Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam giành đến 136 HCV, đứng đầu toàn đoàn và bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với 118 HCV. Đáng chú ý, Việt Nam giành đến 25% tổng số HCV của Đại hội.
Chỉ 4 tháng sau, Việt Nam thi đấu ở Asiad 19 và nhận thất bại khi chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 19, đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Toàn đoàn chỉ giành được 3 HCV ở môn bắn súng, karate và cầu mây. Thành tích này khiến thể thao Việt Nam xếp thứ 21/45 đoàn dự Asiad 19.
Có thể bạn quan tâm: