“Đồng tiền Trung Quốc sụp đổ là dấu hiệu mới nhất trong một loạt các triệu chứng suy giảm kinh tế mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng giải quyết, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thành công”, theo ông James R. Gorrie, tác giả của “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”.
Theo ông Gorrie: “Những lý do khiến đồng nhân dân tệ giảm giá và sự thất bại của Bắc Kinh là có thể dự đoán được vì chúng có tính chất phá hoại”.
Một nguyên nhân chính khiến đồng nhân dân tệ giảm giá có thể bắt nguồn từ phản ứng không khoan nhượng của ĐCSTQ đối với Covid-19 trên khắp Trung Quốc. Khi xuất hiện chỉ vài ca nhiễm, giới chức Trung Quốc vẫn có thể phong tỏa hàng triệu người trong thời gian dài.
Điều đó không chỉ khiến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu ở Trung Quốc giảm tốc mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu và tiêu dùng trong nước. Với hàng triệu công nhân bị sa thải trong những đợt phong tỏa dường như vô tận đó, thu nhập và tâm lý của người tiêu dùng đều trở nên tiêu cực.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu, nguy cơ bất ổn tăng cao
Tuy nhiên, thu nhập xuất khẩu giảm, sản xuất chậm lại và nhu cầu tiêu dùng thu hẹp không phải là những hậu quả tiêu cực duy nhất. Một yếu tố khác là sự sụp đổ của lĩnh vực phát triển bất động sản, vốn chiếm khoảng 29% GDP của Trung Quốc..
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho biết: “Gần 60% tổng tài sản thuộc sở hữu của các hộ gia đình Trung Quốc ở thành thị là bất động sản. Tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Do đó, giá bất động sản giảm mạnh có thể gây ra bất ổn xã hội, đó là điều mà chính phủ Trung Quốc muốn né tránh bằng mọi giá ”.
Trong khi thu nhập đang giảm xuống ở Trung Quốc, thì lạm phát đang tăng lên. Như vậy, người tiêu dùng Trung Quốc đang bị bóp nghẹt bởi con dao hai lưỡi của thu nhập thấp hơn và giá cả cao hơn. Thêm vào đó là hàng triệu nhà đầu tư bất động sản giận dữ, và hậu quả tiềm tàng là tình trạng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng .
Tác động tiêu cực sẽ lan ra nước ngoài
Hậu quả tiêu cực không chỉ dừng lại ở biên giới của Trung Quốc. Việc Trung Quốc liên tục phá giá tiền tệ, khủng hoảng phát triển bất động sản và tốc độ tăng trưởng giảm đang khiến các đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang bán tiền tệ của Trung Quốc và thoát ra khỏi các tài sản bằng đồng nhân dân tệ như cổ phiếu và trái phiếu. Họ cũng đang bán tài sản ở các quốc gia mới nổi phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
“Nỗi sợ hãi của họ là hợp lý”, theo ông Gorrie.
Việc Trung Quốc liên tục phong tỏa đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở các quốc gia mới nổi khác. Tình trạng bất ổn kinh tế dự kiến sẽ còn lan sang các quốc gia khác trên thế giới, dẫn đến sự mất giá của các đồng tiền khác.
Ông Per Hammarlund , chiến lược gia chính về các thị trường mới nổi tại Skandinaviska Enskilda Banken AB, cho biết: “Với việc đồng nhân dân tệ tiếp tục suy yếu, các thị trường mới nổi khác sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá đối với đồng tiền của họ. Tác động sẽ được cảm nhận nhiều nhất bởi các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về xuất khẩu”.
Theo ông Gorrie: “Đó là phản ứng dây chuyền có thể kích hoạt nhiều dòng vốn hơn vào đô la Mỹ, không phải vì nền kinh tế Mỹ quá mạnh, mà bởi vì những nước khác tương đối kém hơn nhiều”.
Bắc Kinh có thể đảo ngược xu hướng mất giá?
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang cố gắng kiềm chế hoặc thậm chí đảo ngược sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ bằng các chiến thuật khác nhau. Sau khi đồng nhân dân tệ hiện tại trượt xuống mức thấp nhất trong hai năm, giảm giá so với đồng đô la 8% tính đến thời điểm hiện tại, PBOC đã tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 15 tháng 9, họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc (RRR) từ 8 xuống 6%. phần trăm.
Tại một số thời điểm, thay vì cố gắng duy trì một tỷ giá cố định, ĐCSTQ có thể để đồng nhân dân tệ thả nổi. Nhưng làm như vậy sẽ mất quyền kiểm soát đồng nhân dân tệ khỏi tay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một số quan điểm cho rằng điều đó khó có thể xảy ra, vì ĐCSTQ muốn kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc và bao gồm cả tiền tệ của nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng nguyên nhân khiến đồng nhân dân tệ giảm giá không chỉ là một chức năng của chính sách, mà là về bản chất cấu trúc. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh có thể buộc phải thả nổi đồng nhân dân tệ vì nước này không thể kiểm soát dòng vốn của các nhà đầu tư toàn cầu.
Simon White của Bloomberg cho biết: “Các lực lượng khiến đồng nhân dân tệ giảm giá là mang tính cấu trúc, và khả năng ngày càng tăng là Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ phải từ bỏ hoàn toàn chế độ tỷ giá hối đoái cố định”.
Theo ông Gorrie, việc Trung Quốc tập trung kích thích các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh liên tục đóng cửa, về cơ bản là đã thưởng cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ĐCSTQ bằng chi phí của lĩnh vực tiêu dùng. Kết quả là, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng khoảng 0,5 nghìn tỷ USD kể từ năm 2020.
“Đó không phải là một sự đánh đổi thông minh về mặt kinh tế”, theo ông Gorrie. Doanh thu xuất khẩu đạt được không thể bù đắp cho sự mất mát trong nhu cầu tiêu dùng, vốn đang bị thu hẹp và vẫn ở dưới mức trước khi có Covid. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng, vốn là động lực chính của lĩnh vực nhập khẩu, đang ở mức thấp nhất trong 13 năm.
Trong khi lạm phát và thất nghiệp đang gia tăng, khả năng quản lý nền kinh tế của Bắc Kinh đang bị đe dọa. Cuối bài phân tích, ông Gorrie đặt câu hỏi: “Liệu sự sụp đổ tiền tệ lớn của Trung Quốc có thách thức khả năng của ĐCSTQ trong việc quản lý hiệu quả sự sụp đổ của một nền kinh tế đang thất bại?”
Có thể bạn quan tâm: