Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang hành xử thiển cận và sẽ phải trả giá với động thái “giết gà dọa khỉ” đối với các cơ quan nghiên cứu phương Tây.
SCMP đưa tin, Bắc Kinh đã chặn truy cập từ Trung Quốc vào website của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Động thái này xuất hiện sau khi cơ quan nghiên cứu của Mỹ đăng một bài chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với một tổ chức tư vấn ở châu Âu.
Trước đó, vào tháng 3, Liên minh châu Âu áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc và văn phòng công an Tân Cương; vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Báo cáo hồi tháng 8/2018 của Liên Hợp Quốc cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương, theo Reuters.
Đáp trả, Trung Quốc đã trừng phạt 4 tổ chức và 10 nhà lập pháp châu Âu, các nhà ngoại giao và gia đình họ. Trong đó có Viện Mercator của Đức về Nghiên cứu Trung Quốc (Merics).
Cơ quan Mỹ bị Trung Quốc trả đũa vì bảo vệ đồng nghiệp
Cũng như hàng chục tổ chức quan trọng ở châu Âu, CSIS đã lên tiếng bảo vệ Merics; và kết quả là đã bị Trung Quốc chặn truy cập. Nghĩa là, người dân ở Trung Quốc không mở được website của CSIS; trừ khi họ dùng công cụ vượt kiểm duyệt.
Bà Liz Economy, một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và Viện Hoover, cho rằng động thái chặn truy cập là “nhằm cắt đứt luồng thông tin”. Như vậy, người Trung Quốc sẽ không tiếp cận được các thông tin đa chiều về các vấn đề như Tân Cương, Hồng Kông…
Tổ chức của bà Liz cũng bị chặn ở Trung Quốc. Nhiều cơ quan khác cũng trong tình trạng tương tự.
Bước đi thiển cận của Trung Quốc
Các học giả cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền về luận điệu của mình ra thế giới.
Ông Scott Kennedy, một trong các tác giả viết bài phê bình Trung Quốc của CSIS, cho biết: “Thay đổi lớn nhất gần đây là Trung Quốc hiện tin rằng họ có quyền tranh luận về Trung Quốc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới; với bất cứ ai thực hiện công việc này; trên bất kỳ nền tảng nào mà nó xuất hiện.”
Theo SCMP, các tác giả của CSIS cho rằng bước đi của Trung Quốc là thiển cận; tự đánh bại bản thân; và là một phần của “xu hướng đen tối” trong trao đổi học thuật.
‘Giết gà dọa khỉ’
Giám đốc Merics Claudia Wessling cho biết bà không biết tại sao Trung Quốc lại trừng phạt cơ quan của bà.
Ông Jeffrey Moon, chủ tịch tổ chức nghiên cứu China Moon Strategies và cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô, cho rằng đây là trò “dằn mặt” của Trung Quốc đối với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài.
Ông nói: “Đây là thủ thuật lâu đời nhất, giết gà để dọa khỉ. Họ đang khiến các cơ quan nghiên cứu khác phải theo dõi, họ hy vọng điều đó sẽ khiến các cơ quan này e sợ”.
Trung Quốc sẽ phải trả giá
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng cách hành xử của chính quyền Trung Quốc sẽ phải trả giá về dài hạn. Đó là nguy cơ bị cô lập trên toàn cầu; những bước đi sai lầm; và cách làm thái quá dựa trên cái nhìn phóng đại về điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ của Trung Quốc.
Học giả Kennedy của CSIS cho rằng: “Trung Quốc phải trả giá vì họ cho thấy họ khép mình; không chấp nhận chỉ trích; mong manh dễ bị tổn thương; và không hành động theo cách thức mà các cường quốc phải hành động.”