Site icon MUC News

Hà Nội ‘bồi’ thêm 55 triệu USD cho tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội vì sợ ế khách?

Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm (ảnh: thanglong.chinhphu.vn).

Chính quyền TP. Hà Nội vừa đầu tư thêm 55 triệu USD cho một dự án được tuyên bố là “giúp hành khách dễ dàng tiếp cận đường sắt đô thị số 3, Nhổn – Ga Hà Nội”.

Dự án này được khởi công sáng nay 10/7 với sự tham dự của ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch Hà Nội. Tổng vốn dự án là 54,75 triệu USD; trong đó vốn vay từ Quỹ Công nghệ sạch CTF, ngân hàng ADB là 48,95 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 5,8 triệu USD.

Phía chủ đầu tư – Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội – nói, dự án chia 3 hợp phần chính, gồm: Hợp phần cải tạo tiếp cận nhà ga; các giải pháp giao thông công cộng; nghiên cứu chính sách và quy định. Về mục đích, theo các nhà quản lý, là để thu hút khách tham gia tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được dễ dàng.

Bên trong toa tàu Cát Linh – Hà Đông (ảnh: Báo Chính phủ). Theo VOV, qua 5 đời Bộ trưởng, 13 năm dai dẳng với 12 lần trễ hẹn và kỷ lục về “đội vốn”, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông cuối cùng cũng được đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021.

Hiện chưa rõ thời gian cụ thể toàn tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội được vận hành đón khách. Tuyến Metro này khởi công tháng 1/2010, dự kiến hoành thành năm 2015. Tuy nhiên, đến nay tổng tiến độ các hạng mục mới đạt khoảng 75%; buộc Hà Nội dự tính đến năm 2029 mới đưa dự án vào khai thác. Như vậy, tuyến metro này sẽ chậm tiến độ ít nhất khoảng 15 năm. Ngoài ra, tính đến thời điểm gần nhất (tháng 9/2022), dự án này đội vốn thêm gần 5.000 tỷ đồng.

Đến nay, Hà Nội đã có tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành và năm đầu lỗ nặng. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, năm đầu tiên vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông lỗ luỹ kế 160 tỷ đồng. Nguồn tin cho biết chính quyền thành phố Hà Nội dự kiến sử dụng ngân sách để trợ giá cho đơn vị khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tương tự ngân sách trợ giá cho xe buýt). Phương án trợ giá cho tàu Cát Linh – Hà Đông đang được Hà Nội xem xét, trong đó vé tháng dự kiến được ngân sách trợ giá khoảng 80%, vé ngày được trợ giá khoảng 50%.

Tính đến tháng 9/2022, dự án mới chỉ khai thác được khoảng 10% công suất. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, một lý do quan trọng khiến tuyến metro Cát Linh – Hà Đông ế khách là do tính kết nối quá kém với các phương tiện, loại hình vận tải khác.