Site icon MUC News

Hệ thống giám sát chìm nổi của Trung Quốc và âm mưu lấn chiếm chủ quyền Việt Nam

Tạp chí Forbes hôm 5/8 nhận định các mạng lưới giám sát nổi và chìm của Trung Quốc có vẻ ngoài như thể vì mục đích dân sự, nhưng có khả năng chúng được sử dụng để giúp hải quân Trung Quốc kiểm soát Biển Đông.

Theo nghiên cứu của Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, các mạng lưới giám sát này thuộc về cái mà Trung Quốc gọi là “Mạng Thông tin Đại dương Xanh”. Theo Forbes, một số thông tin về các mạng lưới này đã được tiết lộ tại triển lãm hàng không và hàng không vũ trụ quốc tế Langkawi năm 2019.

Forbes nhận định: “Chúng có thể là một phần của mạng lưới giám sát lớn hơn nhiều, hầu hết chúng không bị nhìn thấy vì ở dưới nước. Điều này củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc so với các quốc gia khác trong khu vực và có thể được sử dụng để giám sát các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ”.

Hệ thống giám sát nổi và chìm

Forbes đăng bức ảnh về hệ thống giám sát nổi của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó mô hình vận hành bằng pin mặt trời, phía trên có khối cầu có chứa các thiết bị liên lạc và cảm biến, phía dưới có một kết cấu giúp hệ thống cân bằng và nổi trên mặt biển.

Hệ thống giám sát tự nổi của Trung Quốc ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình Forbes).

Các hệ thống như vậy làm tăng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng hình thành một chuỗi giám sát từ đảo Hải Nam của Trung Quốc tới các căn cứ mà họ chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Forbes cho biết, những thiết bị này hình thành cái gọi là “Vạn Lý Trường Thành dưới biển” của Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh còn xây dựng mạng lưới giám sát “chìm” ở dưới đáy biển. Không giống như các thiết bị giám sát nổi, các mạng lưới này không thể nhìn thấy được từ các tàu thuyền hoạt động trên biển.

Forbes cho biết, Trung Quốc không hề giấu diếm kế hoạch xây dựng hệ thống giám dưới đáy biển, nhưng việc sử dụng công nghệ nào, vị trí ở đâu và tình trạng triển khai đều là các thông tin được coi là “bí mật quân sự”.

Điều đáng lo ngại là thế giới gần như chỉ chú ý đến tình trạng xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các rạn san hô mà họ chiếm đóng, nhưng lại không mấy chú ý đến các hệ thống giám sát mà họ thiết lập ở khắp Biển Đông.

Âm mưu lấn chiếm chủ quyền của Việt Nam

Forbes cho biết các khu vực có chứa những hệ thống giám sát nêu trên đều là những điểm nóng đặc biệt. Tạp chí này dẫn thông tin từ Indo-Pacific News, cho biết đó cũng là những nơi đã xảy ra các sự cố giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng nhiều vụ không được đưa tin.

Một hệ thống giám sát nổi của Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Naval News).

Trung Quốc gần đây đã viết lại quy định vận tải đường biển của họ, trong đó chỉ định các khu vực này là “vùng biển ven bờ” của họ. Indo-Pacific News cho rằng “việc thay đổi trạng thái từ ‘ngoài khơi’ thành ‘ven bờ’ có thể là một bước tiến khác nhằm xác thực các yêu sách chủ quyền của họ đối với Việt Nam”.

Forbes cho biết, hiện chưa rõ các hệ thống giám sát của Trung Quốc có trực tiếp tác động đến kế sách này của Bắc Kinh hay không, nhưng chúng đều đóng vai trò biểu tượng cho điều đó tại những khu vực mà chúng hiện diện.

Một bức ảnh chụp hải quân Trung Quốc đăng trên Flickr ngày 26/5/2013.

Tiến sĩ Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, tin rằng các hệ thống giám sát của Trung Quốc không chỉ là biểu tượng chính trị. Ông cho biết các khu vực mà họ giám sát đều là “các khu vực nhạy cảm”.

Tiến sỹ Koh nói với Forbes: “Hải Nam là một căn cứ quan trọng cho Hải quân Trung Quốc, nó không chỉ là một trung tâm của lực lượng hải quân mà còn là công cụ răn đe hạt nhân trên biển của nước này”.

Forbes cho biết, những hệ thống giám sát mới đã được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ở ngoài khơi bờ biển phía đông của đảo Hải Nam. Kết hợp với các đảo nhân tạo và “Vạn Lý Trường Thành dưới biển”, những hệ thống giám sát này cung cấp cho Trung Quốc cơ sở hạ tầng để kiểm soát toàn bộ khu vực, kể cả đối với vùng biển quốc tế.