Nguyễn Huy Hoàng bị cáo buộc làm giả giấy tờ dự thi và thuê người thi hộ trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật tổ chức ở trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo Tuổi Trẻ, ngày 18/7, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Cầu Giấy quyết định khởi tố đối với Vũ Duy Hùng (32 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Huy Hoàng (34 tuổi, trú tại tỉnh Hòa Bình) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo điều tra, Hoàng tìm người thông thạo tiếng Nhật để thi hộ một số người trong kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nhật.
Hoàng đặt vấn đề nhờ Hùng thi hộ trình độ tiếng Nhật N3 cho người khác với tiền công là 4 triệu đồng.
Để tránh bị giám thị phát hiện, Hoàng bảo Hùng gửi ảnh chân dung để Hoàng làm giấy tờ giả thí sinh dự thi cho Hùng.
Ngày 3/7, Hùng mang giấy tờ giả đến điểm thi để dự thi thì bị giám thị phát hiện và báo cho cơ quan công an.
Hiện Công an quận Cầu Giấy đang củng cố hồ sơ, xử lý các bị can theo quy định.
Thi hộ có thể bị xử lý thế nào?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính.
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Về hình phạt, theo luật sư Hòe, khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự. Theo đó người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Điều luật này cũng có hình phạt bổ sung đó là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.