Trung Quốc từ chối sử dụng vắc xin mRNA của phương Tây, mặc dù việc sáng chế vắc xin này ở trong nước không đạt được tiến bộ như mong đợi. Đó là “thất bại lớn nhất” của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, theo Bloomberg.
Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm theo đuổi mục tiêu “zero covid”, nhưng có một điều mà ông Tập Cận Bình vẫn chưa làm. Đó là phê duyệt vắc xin mRNA, một loại vắc xin được đánh giá là có tác dụng mạnh mẽ trong việc chống lại biến thể omicron.
Vắc xin mRNA là gì?
Đó là một loại vắc xin phòng dịch Covid-19. Chữ mRNA là viết tắt của chữ “Messenger RNA”, nghĩa là RNA Thông tin.
Loại vắc xin này không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus như các vắc xin cổ điển. Thay vào đó, nó dạy các tế bào của cơ thể cách tạo ra một loại protein đột biến để kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.
Hai loại vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna là được sản xuất theo công nghệ mRNA.
Trung Quốc không cấp phép cho vắc xin mRNA của phương Tây
Theo Bloomberg, việc tìm nguồn cung loại vắc xin không khó, vì Công ty Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải vào tháng 3 năm 2020 đã đồng ý mua 0,7% cổ phần trong BioNTech SE và tiếp thị vắc xin mRNA mà công ty Đức này đã sáng chế cùng với hãng dược Mỹ Pfizer Inc.
Trước khi kết thúc cùng năm 2020, hai công ty trên đã lên kế hoạch phân phối 100 triệu liều vắc xin mRNA ở Trung Quốc nếu được chính phủ nước này cho phép. Tuy nhiên, tới nay cơ quan quản lý thuốc Trung Quốc vẫn chưa cấp phép cho họ.
“Dữ liệu trên toàn thế giới chỉ rõ rằng mRNA là tiêu chuẩn vàng”, theo ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, người đã viết thư kêu gọi chính phủ Trung Quốc cho phép sử dụng vắc xin mRNA.
“Tại sao lại lãng phí thời gian và chờ đợi để làm gì?”, ông Wuttke chất vấn.
Lý do Trung Quốc từ chối vắc xin mRNA nước ngoài
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc trì hoãn phê duyệt cho vắc xin ngoại, là để chờ hãng dược trong nước tự sản xuất vắc xin mRNA.
Trong khi đó, vắc xin ngừa Covid do Trung Quốc sản xuất bị nghi ngờ là kém hiệu quả. Dù vậy, hơn 88% trong số 1,4 tỷ người của Trung Quốc đã tiêm ít nhất 2 liều vắc xin nội địa.
Bà Allison Hills, cố vấn cấp cao tại London của hãng tư vấn dược phẩm Eradigm Consulting, cho biết: Việc đón nhận các loại vắc xin ngoại có nguy cơ làm ông Tập Cận Bình và các quan chức khác bị mất mặt.
“Đối với họ, giờ mà nói chấp nhận BioNTech, thì chẳng khác nào nói là chúng tôi không tốt bằng”, bà Hills nói.
Năm ngoái, một số người Trung Quốc lạc quan tin rằng vắc xin mRNA nội địa sẽ sớm được phê duyệt. Loại vắc xin này do Công ty Công nghệ Sinh học Walvax, Công ty Khoa học Sinh học Tô Châu và Học viện Khoa học Quân y cùng nghiên cứu.
Với niềm lạc quan như vậy, các nhà đầu tư đã thiết lập một cơ sở mới để sẵn sàng tăng cường sản xuất vắc xin này khi nó được phê duyệt.
Tuy nhiên, kết quả của các thử nghiệm ban đầu rất đáng thất vọng. Vì vậy, vắc xin mRNA của Trung Quốc khó có thể được đem ra thị trường trong năm 2022, theo Bloomberg Intelligence.