Site icon MUC News

Liên minh chống Trung Quốc đang hình thành ở Biển Đông

Các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ (ảnh: US Navy). Các nước châu Âu tăng cường điều động tàu chiến tới Biển Đông trước áp lực gia tăng từ Trung Quốc.

Các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ (ảnh: US Navy). Các nước châu Âu tăng cường điều động tàu chiến tới Biển Đông trước áp lực gia tăng từ Trung Quốc.

Anh, Nhật Bản và Australia đang hợp lực với Mỹ và các đồng minh trong khu vực để chống lại tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Asia Times.

Bài báo của Asia Times hôm 7/5 có tựa đề: “Liên minh chống Trung Quốc đang hình thành ở Biển Đông”.

Các cường quốc đang tiến sâu hơn vào Biển Đông với hàng loạt động thái hứa hẹn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Asia Times cho rằng động thái của các nước là đáp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ đối với các quốc gia cùng chí hướng; nhằm chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Nhật Bản

Nhật Bản gần đây đã công bố gói viện trợ quốc phòng mới cho Philippines. Đây là gói viện trợ quốc phòng đầu tiên của Nhật với Philippines theo cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Vương Quốc Anh

Đồng thời, Vương quốc Anh dự kiến triển khai đội tàu hải quân lớn nhất từ ​​trước đến nay của mình tới Biển Đông trong tương lai gần. Dẫn đầu đội hải quân Anh là tàu sân bay mới sản xuất HMS Queen Elizabeth.

Việc triển khai của Vương quốc Anh là một phần của Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) đa phương đang nổi lên ở Biển Đông nhằm vào Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ và Australia đã tiến hành các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông; trong bối cảnh Malaysia và Trung Quốc có nhiều bất đồng về các hoạt động thăm dò năng lượng trên biển.

Mỹ và Úc

Trong khi đó, một công ty của Úc và Mỹ đang hoàn tất việc tiếp quản một nhà máy đóng tàu lớn ở Vịnh Subic, một khu vực có vị trí chiến lược ở Philippines. Diễn biến này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm ngăn chặn dòng đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia Đông Nam Á.

Các cường quốc G7

Nhóm các nước G7 hôm 2/5 đã đưa ra một tuyên bố chung ám chỉ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. G7 bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Canada và Nhật Bản.

Bản tuyên bố cho biết các nước “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn, cũng như việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự.”

Tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng các nhà quan sát cho rằng rõ ràng đây là thông điệp nhắm vào Bắc Kinh.

Đáp lại, Trung Quốc đã phản pháo lại bằng cách kêu gọi các nước G7 “tuân thủ lời hứa không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ; tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực; ngừng mọi lời nói và hành động vô trách nhiệm; đồng thời đóng góp mang tính xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Philippines

Được khích lệ bởi sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế, một số quan chức trong chính phủ Philippines đã áp dụng lập trường ngày càng cứng rắn ở Biển Đông; bất chấp Tổng thống Rodrigo Duterte đang cố gắng giữ quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Hôm 3/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Loscin đã đưa ra lời chửi thề nhắm vào các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Philippines là đồng minh hàng chục năm của Mỹ. Hai bên có hiệp ước phòng thủ chung; nghĩa là trong trường hợp Philippines bị tấn công, Mỹ có trách nhiệm đem quân tới ứng cứu.

Sau khi nhậm chức vào tháng 6/2016, ông Duterte thể hiện rõ quan điểm xa rời Mỹ để kết thân với Trung Quốc. Trong chuyến công du đầu tiên của mình, ông Duterte tới Trung Quốc vào tháng 10/2016. Tại Bắc Kinh, ông Duterte nói Phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 chỉ là “mẩu giấy”.