Ảnh chụp màn hình một bản tin của NTD về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân tiết kiệm lương thực trong bối cảnh lũ lụt gia tăng. |
Đến sáng thứ Năm, Trung Quốc đã mở 11 cửa xả lũ để cho chảy ra 49,2 triệu lít nước mỗi giây, mức xả lớn nhất kể từ khi con đập được xây dựng.
The Guardian đưa tin, dự báo từ cục khí tượng thủy văn Trung Quốc cho biết mực nước trong hồ chứa Đập Tam Hiệp sẽ lên đến 165,5 mét vào thứ Bảy (22/8), gần tới mực nước tối đa theo thiết kế là 175 mét.
Lo ngại vỡ đập
Sau hai tháng lũ lụt lớn trên khắp miền Trung và Tây Nam Trung Quốc, các thông số lũ lụt đang tiến gần đến mức chịu đựng tối đa của Đập Tam Hiệp. Điều này làm gia tăng lo ngại trong người dân về nguy cơ vỡ đập. Dù vậy các quan chức Trung Quốc cam kết với dân rằng Đập Tam Hiệp vẫn chịu đựng tốt dòng nước lũ.
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã mất 12 năm để xây dựng siêu dự án này, khiến hàng triệu người phải di dời và nhấn chìm nhiều vùng đất. Nếu xảy ra sự cố vỡ Đập Tam Hiệp, nó có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của hàng triệu người gần công trình này và hạ lưu sông Dương Tử.
Nguy cơ thiếu lương thực
The Guardian cho biết, các trận lũ lụt có nguy cơ làm trật bánh lộ trình phục hồi mong manh của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Lũ lụt cũng làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực tại quốc gia hơn 1 tỷ dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã lên tiếng chỉ trích thói quen ăn uống xa hoa và lãng phí, đồng thời kêu gọi người dân không bỏ phí thức ăn.
Quốc vụ viện Trung Quốc còn thành lập một nhóm làm việc để giáo dục và kỷ luật những người phục vụ nhà hàng và thực khách, nhằm chống lãng phí thực phẩm, theo Asia Times. Theo quy chế mới dự thảo của Quốc hội Trung Quốc, những người lãng phí thức ăn sẽ bị nêu tên, bêu xấu, phạt tiền, và thậm chí bỏ tù.