Site icon MUC News

Metro số 1: Tư vấn dừng cung cấp dịch vụ, TP. HCM chi gần 1.700 tỷ để kết nối lại

Các đoàn tàu tuyến Metro số 1 khi cập cảng đều được vận chuyển về depot Long Bình (TP. Thủ Đức). Ảnh: tphcm.chinhphu.vn

Dự toán chi phí phát sinh tư vấn cho Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) gần 1.700 tỷ đồng được UBND TP. HCM phê duyệt, làm cơ sở nối lại dịch vụ với nhà thầu tư vấn.

Hơn 30 lượt đàm phán, thương thảo

Theo VnExpress, từ năm 2007, Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR – chủ đầu tư) ký hợp đồng với liên danh NJPT thực hiện tư vấn cho dự án Metro số 1, trị giá hơn 9 tỷ yên Nhật (khoảng 1.300 tỷ đồng khi đó). Thời gian thực hiện hợp đồng này 132 tháng, chia làm 5 giai đoạn. Hợp đồng được ký dựa trên tiến độ dự kiến ban đầu tuyến metro hoàn thành năm 2015.

Dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành, dẫn đến hợp đồng tư vấn chung phát sinh nhiều công việc, phải bổ sung các phụ lục hợp đồng. MAUR hiện đã ký kết với liên danh NJPT 18 phụ lục. Đến hợp đồng số 19, từ tháng 4/2017, hai bên trải qua hơn 30 đợt đàm phán, thương thảo. Tổng chi phí phát sinh của phụ lục này được tính toán dựa trên khối lượng công việc bổ sung và đã được thống nhất.

Để duy trì công việc khi chờ ký phụ lục 19, từ năm 2018 chủ đầu tư và liên danh tư vấn áp dụng các biên bản ghi nhớ, gia hạn công việc đến tháng 10/2020. Tuy nhiên do quá trình chờ ký phụ lục nói trên kéo dài, cuối năm 2020 liên danh NJPT ngưng đào tạo học viên lái tàu tuyến metro. Tháng 7 năm ngoái, cơ quan này cũng dừng một số dịch vụ cho dự án.

Gần 1.700 tỷ được chi để kết nối lại dịch vụ tư vấn

Qua đánh giá, mức dự toán chi phí tư vấn phát sinh trong phụ lục 19 là gần 1.700 tỷ đồng, dùng để đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp hệ thống công nghệ thông tin…

Theo VOV, ngày 6/4/2022, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định phê duyệt mức dự toán này. Cụ thể, thành phố duyêt chi khoảng phát sinh chi phí tư vấn chung của dự án với số tiền hơn 1.669 tỷ đồng. Trên cơ sở quyết định này, Ban sẽ ký phụ lục 19 với tư vấn chung dự án NJPT, đảm bảo tiến độ dự án.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó trưởng Ban đường sắt đô thị TP.HCM, thì “nhờ phụ lục 19 này ký và tình hình Covid-19 cải thiện, các nhà thầu, tư vấn cũng nỗ lực để đưa dự án metro số 1 hoàn thành vào cuối năm 2023 theo tiến độ hiện nay”.

Diện mạo tuyến Metro số 1 vào tháng 1/2022. Ảnh: tphcm.chinhphu.vn

Metro Số 1 hiện đạt hơn 89% khối lượng, dự kiến khai thác thương mại từ quý 4 năm sau. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1), đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm và 11 ga trên cao.

Vấn đề tương tự ở tuyến Metro số 2

Không chỉ tại dự án Metro số 1, ở dự án Metro số 2 do quá trình chờ ký phụ lục hợp đồng kéo dài dẫn đến đơn vị tư vấn ngưng cung cấp các dịch vụ, dự án bị kéo dài tiến độ thực hiện cũng như phát sinh thêm nhiều chi phí.

Tại dự án Metro số 2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn IC thực hiện dự án tuyến Metro số 2 vào năm 2012 trị giá khoảng 43,9 triệu euro gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn A thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính của dự án; giai đoạn B là giám sát thi công dự án.

Do dự án phải phê duyệt điều chỉnh, tiến độ thực hiện bị kéo dài nên hai bên đã phát sinh nhiều phụ lục hợp đồng. Từ tháng 10/2018, đơn vị tư vấn IC đã tạm dừng huy động nhân sự hỗ trợ cho dự án.

Sau nhiều lần đàm phán không đạt được thỏa thuận chung, ngày 24/3/2022 đơn vị tư vấn đã có công văn thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư.

Bạn đọc xem thêm