Site icon MUC News

Mức độ khủng khiếp của siêu bão Noru: ‘Cầu mong không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại’

Một người phụ nữ trên phố cổ Hội An sau khi bão Damrey đổ bộ, năm 2017 (ảnh: RT).

Các chuyên gia dùng cụm từ “khủng khiếp”, “lịch sử về sức mạnh”… để nói về siêu bão Noru. Với chuyên gia ‘săn bão’ như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, ông cầu mong cơn bão không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.

Trong cuộc trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), dùng từ “khủng khiếp” khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

“Những tàu thuyền dù được neo đậu vẫn có thể bị phá hủy, nhà ngói có thể bị thổi bay”, ông Hưởng nói.

Ngoài ra, bão còn gây mưa rất lớn, có thể khiến hàng chục huyện miền Trung sẽ ngập. Ông Hưởng nói: “Với kịch bản mưa lớn trên 400mm, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2 – BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có hơn 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt”.

Vượt qua các siêu bão vào Việt Nam trong 20 năm qua

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, sức tàn phá của bão Noru mạnh nhất trong 20 năm qua. Với sức gió gần bờ khoảng 140km/h, giật 165km/h, nó có thể hất bổng một con thuyền lên bờ, hoặc kéo sập nhà cấp 4. Sức tàn phá hạ tầng của cơn bão này hết sức ghê gớm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai (ảnh: VTV).

Về khả năng giảm cấp của bão khi vào đất liền Việt Nam, ông Huy cho rằng có thể xảy ra, nhưng xác suất thấp (chỉ khoảng 20%). Đó là khi bão di chuyển quá nhanh, nó sẽ tự vỡ cấu trúc. Khi đi quá nhanh thì các đĩa mây phía trước có xu hướng tách khỏi tâm bão và vì vậy lượng hơi ẩm bổ sung nuôi tâm bão sẽ giảm và bão yếu đi. Tuy nhiên, cần chuẩn bị cho tình huống bão vẫn cực mạnh khi vào bờ. TS Huy khuyến cáo, điều tốt nhất chính quyền và người dân làm là “hãy chạy bão! Hãy sơ tán!”.

“Rồi người ta có thể sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana nhưng Noru thì không. Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Và tôi cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.

Bà con miền Trung ơi, từ Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, và bắc Tây Nguyên ơi! Chúng ta chỉ còn 10 tiếng đồng hồ quý giá để chạy bão. HÃY CHẠY BÃO! HÃY SƠ TÁN!

Với 10 tiếng, chỉ cần đi bộ cũng đến được nơi an toàn. Hãy tìm đến 1 nơi an toàn tránh trú bão”, ông Huy nhắn gửi trên trang FB cá nhân sáng 27/9.

Cập nhật tình hình chạy bão

Đà Nẵng: Khoảng 80 nghìn dân, tương đương 1/10 dân số thành phố được sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn. Chủ tịch TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 20h tối nay.

Thừa Thiên Huế: Hoàn thành sơ tán dân tránh bão trước 12h ngày 27/9. Yêu cầu người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Toàn bộ học sinh nghỉ học trong ngày 28 và 29.

Người dân đảo Lý Sơn hối hả tận dụng thời gian chạy bão (ảnh VTV).

Quảng Ngãi: Lúc 8 giờ sáng nay tại Đảo Lý Sơn đã có mưa to và rất to gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 8. Biển động dữ dội, sóng biển cao từ 1 -1,5 m. Hiện gió bão đang tăng dần kèm theo mưa to, trước diễn biến phức tạp của thời tiết tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản nghiêm cấm tất cả người tại Lý Sơn không đuọc ra khỏi nhà sau 10 giờ trưa nay.