Mỹ đã “dại dột” theo đuổi chính sách kết giao với Trung Quốc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, theo giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago (Mỹ).
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei, ông John cho rằng chính sách sai lầm này đã góp phần vào sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Theo quan điểm của ông John, Mỹ đã “hoàn toàn sai lầm” khi tưởng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ nếu kinh tế Trung Quốc phát triển lên. Không chỉ Mỹ, mà cả Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế khổng lồ. Họ không ngờ điều đó đã tạo ra mối đe dọa địa chính trị cho chính họ.
Lý do Mỹ theo đuổi chính sách kết giao với Trung Quốc
Ông John cho biết, ban đầu chính sách kết giao của Mỹ với Trung Quốc là nhằm thiết lập liên minh chống lại Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, thì Mỹ không nhất thiết phải xây dựng quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục làm điều đó, vì tưởng rằng ĐCSTQ sẽ cải cách dân chủ khi đất nước phát triển hơn.
Ông John gọi đó là một chính sách “ngu ngốc”. Ông nêu ví dụ: “Mỹ đã làm việc chăm chỉ để đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và vào các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới.”
“Mỹ không chỉ mong đợi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn – mà còn cố ý giúp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn. Mỹ làm điều này dựa trên giả định rằng qua thời gian, Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ và do đó sẽ trở thành một bên có trách nhiệm trong trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu.”
“Tất nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trung Quốc đã không trở thành một nền dân chủ. Và trên thực tế, Trung Quốc đã thiết lập quyền bá chủ ở châu Á và thách thức Mỹ trên khắp hành tinh. Bây giờ chúng ta đang có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”
Vì sao Mỹ tưởng rằng ĐCSTQ sẽ cải cách dân chủ khi kinh tế phát triển?
Về câu hỏi này của Nikkei, ông John cho biết: “Hoa Kỳ cảm thấy rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không còn là những hình thức chính phủ khả thi nữa; tất cả các quốc gia cuối cùng sẽ trở thành các nền dân chủ tự do, giống như Hoa Kỳ, giống như Nhật Bản”.
Vì vậy, Mỹ cho rằng các nước phương Tây cần đẩy nhanh quá trình đó và giúp Trung Quốc trở thành nền dân chủ tự do.
“Không chỉ Mỹ giúp Trung Quốc phát triển kinh tế, mà Đài Loan, của tất cả các nước, đã ngu ngốc giúp Trung Quốc phát triển, Nhật Bản cũng như Hàn Quốc, tất cả các nước châu Âu cũng vậy. Tất cả họ đều đang theo đuổi một chính sách hết sức ngu ngốc.”
Cựu Tổng thống Trump chấm dứt chính sách kết giao với ĐCSTQ
Ông John cho biết từ khoảng năm 1990 cho đến khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, thì Hoa Kỳ đều theo đuổi chính sách can dự với Trung Quốc.
Chính sách đó “được thiết kế để làm cho Trung Quốc trở nên giàu có hơn”.
Nhưng khi ông Trump trở thành tổng thống, ông đã từ bỏ chính sách này. Thay vào đó, chính quyền Trump thiết lập chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tổng thống Biden đã tiếp bước ông Trump”, theo giáo sư John Mearsheimer. “Giống như (cựu tổng thống) Trump, ông Biden đang theo đuổi chính sách ngăn chặn. Không có nghi ngờ gì về việc Mỹ và Nhật Bản đang muốn kiềm chế Trung Quốc.”
Làm thế nào để ngăn cản Trung Quốc?
Theo giáo sư John: “Trước tiên chúng ta nên tập trung vào khía cạnh quân sự, sau đó mới nói đến khía cạnh kinh tế.”
“Về khía cạnh quân sự, rõ ràng là Trung Quốc quyết tâm làm đảo lộn hiện trạng ở Đông Á. Trung Quốc cho rằng họ thật sự làm chủ Biển Đông”, ông John nói.
“Thứ hai là Trung Quốc quyết tâm lấy lại Đài Loan và biến nó thành một phần của Trung Quốc đại lục. Thứ ba, họ quyết tâm kiểm soát Biển Hoa Đông và lấy lại những gì họ gọi là quần đảo Điếu Ngư, mà người Nhật gọi là quần đảo Senkaku.”
Về khía cạnh quân sự, Mỹ cùng các đồng minh bao gồm cả Nhật Bản, đã thể hiện quyết tâm ngăn cản Trung Quốc chiếm Biển Đông, chiếm Đài Loan và thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông.
Về khía cạnh kinh tế, giáo sư John cho rằng “hiện không có cách nào” mà Mỹ có thể đẩy lùi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Nhưng Mỹ sẽ cố gắng hạn chế mức tăng trưởng đó càng nhiều càng tốt, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở phương Tây.
Mỹ và các nước phương Tây sẽ tập trung chủ yếu vào các công nghệ tiên tiến hàng đầu, như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, 5G, v.v. “Đó là nơi mà cuộc cạnh tranh thực sự sẽ diễn ra”, theo giáo sư John Mearsheimer.