Giữa tháng 7 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò (hay đường 9 đoạn) của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ thiện chí giúp đỡ các quốc gia bị Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông.
Lập trường của Hoa Kỳ là lời ủng hộ mạnh mẽ với các nước có chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng thái độ hung hăng và kiểm soát trong khu vực.
Hoa Kỳ muốn liên minh
Trong bài phân tích trên The Conversation, ông Pak K Lee và bà Anisa Heritage, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Kent, Anh Quốc cho biết: “Việc Mỹ củng cố lập trường của mình về Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Washington đang cố gắng xây dựng một liên minh với các đồng minh và đối tác để ‘cạnh tranh công khai’ với Trung Quốc”, như lời mô tả của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7.
Hưởng ứng động thái từ Mỹ, Australia cũng chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Các cuộc tập trận gần đây của Mỹ, Úc cùng các đối tác khác như Nhật Bản, Ấn Độ đã gửi thông điệp mạnh mẽ răn đe tham vọng của Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh cũng đang gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đồng thời tăng cường “đối thoại” với các nước Đông Nam Á với hy vọng ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trung Quốc đòi ‘song phương’
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tăng cường các liên kết song phương với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhằm thể hiện rằng Bắc Kinh đang tích cực đối thoại với các bên để giải quyết tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên ngoài.
Ba tuần sau khi Ngoại trưởng Pompeo công bố lập trường mới của Mỹ về Biển Đông, Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc họp với các nhà ngoại giao từ 10 nước Đông Nam Á vào đầu tháng 8, trong đó Trung Quốc bày tỏ “mối lo ngại” về các hoạt động quân sự của “các nước bên ngoài khu vực”.
Trung Quốc cũng đã công khai lên tiếng kêu gọi Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm hai nước ký hiệp định phân định ranh giới đất liền.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại lễ kỷ niệm 20 năm ký hiệp định phân định ranh giới Việt – Trung ngày 23/8/2020 (ảnh chụp màn hình Twitter). |
Các nhà phân tích lo ngại rằng nếu Trung Quốc đạt được cách tiếp cận “song phương” với các bên tranh chấp ở Biển Đông, thì tình trạng bắt nạt sẽ không chỉ diễn ra ở ngoài khơi, mà còn lây lan sang các bàn đàm phán.
Uy tín của Trung Quốc trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế đã sụt giảm nghiêm trọng khi Bắc Kinh tiến hành các hành vi hung hăng ở Biển Đông, như đâm chìm tàu cá Việt Nam rồi đổ lỗi cho tàu Việt Nam tấn công tàu hải cảnh Trung Quốc. Hay như việc Bắc Kinh tự cho mình quyền ban hành “lệnh cấm đánh bắt hải sản”, và phong tỏa một phần Biển Đông để tập trận quân sự quy mô lớn.
Đứng trước ngã ba đường
Trong bài phân tích trên website của Hội đồng Quan hệ đối Ngoại (CFR), tiến sỹ Lê Thu Hương, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho rằng “có nhiều lý do để Việt Nam hào hứng” khi Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù vậy, Việt Nam duy trì phản ứng thận trọng trước lập trường mới của chính quyền Tổng thống Trump. Khi bình luận về diễn biến này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/7 đã tránh đề cập đến Hoa Kỳ, và nói rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Giới quan sát cho rằng phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên. “Hà Nội thường lựa chọn phương cách thận trọng khi diễn giải nhằm tránh gây ra khó chịu không cần thiết đối với Bắc Kinh”, trích bài bình luận trên The Diplomat của ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND có trụ sở tại Mỹ.
Từ vị trí ngã ba đường trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng sẽ không có chuyện Việt Nam thể hiện mạnh mẽ sự ủng hộ đối với lập trường của Washington.
Ông Grossman nhận định: “Có lẽ còn hơi sớm khi chính quyền Trump hy vọng rằng Việt Nam có thể hỗ trợ mạnh mẽ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tư cách là một đối tác ‘cùng chí hướng'”.
Động thái nào cho Việt Nam?
Giới quan sát nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách thận trọng như hiện nay và cố gắng cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở ra một cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt.
Bình luận trên CFR, tiến sỹ Lê Thu Hương nhận định: “Hà Nội cần nắm lấy sự thay đổi đầy tiềm năng này trong cách tiếp cận của các tác nhân bên ngoài đối với Biển Đông, nhưng cũng cần tránh những nguy hiểm khó lường mà những người khổng lồ tham chiến tạo ra”.
Dù phản ứng thận trọng với chiến lược của chính quyền Trump, nhà nghiên cứu Grossman chỉ ra rằng Việt Nam ủng hộ tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như được thể hiện trong Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam năm 2019.
Ông Grossman liệt kê một số ví dụ cho thấy Việt Nam gần đây đã cải thiển đáng kể mối quan hệ với Hoa Kỳ. Mới đây nhất, vào ngày 22/7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác nghề cá ở Biển Đông.
“Hà Nội cũng không né tránh những màn trình diễn mang tính biểu tượng cao về sự hỗ trợ quốc phòng của Hoa Kỳ”, ông Grossman cho biết. Trong 3 năm qua, Hà Nội đã hai lần mời Hoa Kỳ cử hàng không mẫu hạm đến thăm cảng Đà Nẵng.
Năm 2019, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson, đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, để nhấn mạnh mối quan hệ an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển. Washington cũng mời Việt Nam lần thứ hai liên tiếp tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2020, trong khi Trung Quốc không được mời.
Bức ảnh của Hải quân Hoa Kỳ, cho thấy tàu Hải quân Hàn Quốc Chungmugong Yi Sun-Sin (DDH 975), tàu Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Arunta (FFH 151) và tàu tiếp dầu của hạm đội Hải quân Hoa Kỳ USNS Henry J. Kaiser (T-AO 187) đi qua Thái Bình Dương trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2020. Tổng cộng có 27 quốc gia tham gia cuộc tập trận này. |
Tuy nhiên, ông Grossman cho rằng, điều đáng lo ngại đối với Washington là khả năng Bắc Kinh thực hiện những toan tính chiến lược nhằm giảm sức ép đối với Hà Nội trên Biển Đông, giành được một cách tiếp cận song phương, từ đó “làm tổn hại nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc chống lại sự áp bức của Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu cho biết: “Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam buộc phải có phương cách đa diện cho mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có cả quan hệ chính trị, kinh tế và giao lưu giữa nhân dân hai nước, để đảm bảo mối quan hệ của hai bên vẫn tốt đẹp trong trường hợp quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được cải thiện đáng kể”.