Ngày 10/5, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào vòng đàm phán thương mại cấp cao tại Geneva (Thụy Sĩ) trong nỗ lực tìm tiếng nói chung nhằm tháo gỡ các bất đồng về thuế quan và quan hệ kinh tế song phương.
- Bình Thuận: Bắt tạm giam chủ quán và 21 người sau đột kích quán bar Paris Night Club
- Đề xuất đánh thuế 20% lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản: Lo người mua nhà gánh giá cao?
- Mưa lớn gây ngập nặng, đèn tín hiệu gãy đổ, xe máy trôi ở Bình Dương, Đồng Nai
Đây được xem là bước đi quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài nhiều năm qua đã làm chậm đà tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đàm phán khởi động, hai bên thận trọng thăm dò
Phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer, trong khi phía Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu. Mặc dù cuộc gặp lần này chủ yếu mang tính khảo sát và định hướng chính sách, giới phân tích kỳ vọng hai bên có thể đạt một số bước tiến ban đầu, như miễn thuế một phần đối với các mặt hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô.
Nguồn tin của Reuters cho biết, Trung Quốc đã chuẩn bị một “danh sách trắng” gồm các sản phẩm của Mỹ sẽ được miễn thuế bổ sung nếu quá trình đối thoại diễn ra thuận lợi.
Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đối thoại trên cơ sở bình đẳng
Phát biểu trước thềm đàm phán, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Hà Á Đông, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng trao đổi với Washington dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tham vấn bình đẳng và có đi có lại.
“Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ lợi ích phát triển chính đáng của mình và tiếp tục thúc đẩy trật tự thương mại quốc tế công bằng, hợp lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Tổng thống Trump gợi ý giảm thuế với Trung Quốc xuống 80%
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua bất ngờ phát đi tín hiệu tích cực khi tuyên bố mức thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc có thể giảm xuống 80%, thấp hơn so với mức 145% hiện tại, thậm chí một số mặt hàng đang phải chịu tổng thuế suất lên tới 245%.
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt làm rõ rằng Tổng thống sẽ không đơn phương giảm thuế, trừ khi Trung Quốc có động thái nhượng bộ tương ứng.
“Đó là con số mà Tổng thống đưa ra. Nhưng mọi thứ vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng”, bà Leavitt nói.
Căng thẳng thương mại kéo dài: Thiệt hại song phương, lo ngại toàn cầu
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bùng phát trở lại sau nhiều năm đối đầu về thuế quan. Hiện nay, Trung Quốc áp thuế đến 125% đối với hàng hóa từ Mỹ, đồng thời triển khai nhiều biện pháp hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường nội địa.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhận định đây là bước đi tích cực hướng tới giảm leo thang xung đột thương mại. Bà nhấn mạnh rằng đối thoại thường xuyên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều cần thiết để ngăn ngừa phân mảnh kinh tế toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đàm phán Mỹ – Trung diễn ra sau loạt thỏa thuận thương mại mới
Các cuộc thương lượng tại Geneva diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Anh đạt được thỏa thuận thương mại khung, mở ra triển vọng hình thành một chuỗi đàm phán thương mại liên tục của Mỹ với các đối tác lớn.
Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc gặp tại Thụy Sĩ, kỳ vọng hai bên có thể thiết lập lại trật tự thương mại mang tính ổn định, thay vì để căng thẳng kéo dài tiếp tục ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và dòng vốn quốc tế.
Theo: VOV