Khi khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày một cao, thì NATO phải tính đến việc gấp rút nắm quyền điều phối viện trợ cho Ukraine thay vì Mỹ . Sáng kiến này được đưa ra bởi tổng thư ký liên minh và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ.
Điều này được tờ báo Handelsblatt của Đức đưa tin. Tờ báo này viết rằng, NATO cho đến nay vẫn muốn tránh bị ấn tượng là một phần của cuộc xung đột với Nga bằng mọi giá. Vì vậy, để tránh chọc giận Nga, họ vẫn để Hoa Kỳ cầm trịch hoạt động viện trợ cho Kiev. Nhưng bây giờ một sự thay đổi đang đến gần – vì nỗi lo sợ Donald Trump.
Từ khi bắt đầu cuộc chiến đến nay, việc viện trợ đang được thực hiện thông qua hình thức là nhóm liên lạc bảo vệ Ukraine có tên“Ramstein”, do Washington chủ trì. Định dạng Ramstein bao gồm hơn 40 quốc gia, là các thành viên của khối Bắc Đại Tây Dương và các quốc gia không phải là thành viên của liên minh.
Từ tháng 4 năm 2022, họ quyết định thường xuyên tổ chức các cuộc họp theo hình thức Nhóm cố vấn quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở thành phố Ramstein của Đức, mục đích là đẩy nhanh quá trình chuyển giao vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Nhưng gần đây, Tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg và Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Jake Sullivan đã đề xuất ý tưởng để Washington rời bỏ vị trí người cầm trịch Ramstein. Theo đó, chức chủ tịch cho một cơ quan tập thể do NATO đại diện. Sáng kiến này được Anh, Pháp và các nước Đông Âu ủng hộ nhiệt tình.
Họ quyết định thực hiện những bước đi như vậy vì lo ngại Donald Trump có thể giành chiến thắng lần nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây. Ông Trump, nói như nhà báo Mỹ Jonathan Karl đã viết trong cuốn sách “Mệt mỏi vì chiến thắng”, ông ghét cuộc xung đột ở Ukraine và phản đối mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Còn theo lời của nhà báo Tucker Carlson, thì cựu tổng thống Mỹ phản đối viện trợ cho Ukraine còn “cực đoan hơn những gì ông tuyên bố công khai”.
Quả thật, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump đã từng lên án Mỹ đầu tư vào Ukraine nhưng đổi lại Hoa Kỳ có thể bị bỏ rơi “như một con chó”.
“Chúng tôi đang cung cấp tất cả số tiền này, chúng tôi đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Ukraine và họ có thể đạt được thỏa thuận với Nga trong ba tuần tới, và đột nhiên họ không muốn giao dịch với chúng tôi nữa”, ông Trump nói, đồng thời, ông từng mỉa mai khi gọi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky là nhà kinh doanh vĩ đại nhất trong lịch sử.
Theo sáng kiến của Stoltenberg-Sullivan, thì việc NATO nắm quyền điều phối thay thế Hoa Kỳ sẽ khiến việc hỗ trợ Ukraine không bị ảnh hưởng nếu Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Song, nó làm NATO lòi ra một cái đuôi tệ hại: Kể từ tháng 2/2022, liên minh này đã liên tục nhấn mạnh rằng họ không liên quan đến xung đột với Nga. NATO luôn nói, họ coi trọng thực tế rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là quyết định có chủ quyền của từng quốc gia thành viên – và đây không phải là một chương trình liên minh.
Nhưng với việc trực tiếp điều phối hoạt động viện trợ quân sự, NATO sẽ bị cứng miệng khi người Nga tuyên bố rằng, rõ ràng trong mọi trường hợp liên minh này có liên quan đến cuộc xung đột.
Chính vì sơ hở ấy, mà ý tưởng của Stoltenberg-Sullivan không được phía Đức ủng hộ. Chính quyền Đức tin rằng bằng cách này NATO sẽ chỉ “cho Nga một lý do để tuyên bố rằng liên minh này đang tiến hành chiến tranh chống lại Liên bang Nga”. Ý tưởng này cũng bị cánh truyền thông và người Đức hoài nghi.
Bài viết trên tờ Frankfurter Rundschau có tiêu đề “NATO có thể mạo hiểm đối đầu với Putin – vì sợ Trump thắng cử”. Trong đó, cho biết rằng, trước khi dự án có thể được triển khai, NATO vẫn phải thảo luận kỹ lưỡng về bước đi do cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vạch ra. Theo thông tin từ báo chí, việc này sẽ diễn ra trong vài ngày tới.