Site icon MUC News

Nhiều thay đổi quan trọng trong Luật Công chứng 2024: Người dân cần lưu ý

Luật công chứng năm 2024. ( Ảnh: Internet)

Luật Công chứng 2024 và Nghị định 104/2025 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều nội dung mới liên quan đến việc phân chia di sản, công chứng ngoài trụ sở, chụp ảnh trong công chứng, và chứng thực chữ ký người dịch.

Thống nhất công chứng văn bản phân chia di sản

Theo quy định mới, người thừa kế – dù là duy nhất hay theo thỏa thuận chung – đều thực hiện thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản, thay vì phải phân biệt giữa “khai nhận di sản” và “thỏa thuận phân chia di sản” như trước. Quy định này giúp đơn giản hóa quá trình lập văn bản thừa kế, tránh nhầm lẫn khi làm thủ tục.

Mở rộng các trường hợp công chứng ngoài trụ sở

Luật mới cho phép thực hiện công chứng ngoài trụ sở đối với các trường hợp đặc biệt như: người lập di chúc tại nơi cư trú; người không thể đi lại do bệnh, cách ly, đang bị tạm giam, thi hành án; phụ nữ nuôi con nhỏ; người cao tuổi; người trong lực lượng vũ trang không thể rời vị trí làm việc…

So với trước, phạm vi công chứng ngoài trụ sở đã được mở rộng và quy định cụ thể hơn, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện khái niệm “lý do chính đáng”.

Người dân đang thực hiện thủ tục công chứng tại Văn phòng công chứng tại TP.HCM. (Ảnh: Trí Minh)

Bắt buộc chụp ảnh khi ký văn bản công chứng

Một điểm mới đáng chú ý là khi ký văn bản công chứng, công chứng viên phải chứng kiến trực tiếp và chụp ảnh người ký cùng chính mình. Ảnh chụp này là thành phần bắt buộc trong hồ sơ công chứng và phải đảm bảo các tiêu chí: rõ nét, không chỉnh sửa, nhận diện rõ người ký và công chứng viên.

Nếu người yêu cầu công chứng từ chối chụp ảnh, công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Không còn công chứng bản dịch, thay bằng chứng thực chữ ký người dịch

Luật Công chứng 2024 chính thức bỏ quy định công chứng bản dịch. Thay vào đó, công chứng viên chỉ thực hiện chứng thực chữ ký người dịch, đúng với bản chất pháp lý của hoạt động chứng thực.

Người dân có nhu cầu sử dụng bản dịch có thể đến UBND cấp xã hoặc tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện chứng thực chữ ký người dịch – thủ tục này đơn giản và phù hợp hơn trong thực tiễn.

Cho phép công chứng hợp đồng ủy quyền tại hai tổ chức khác nhau

Trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể đến cùng một nơi, hai bên có thể yêu cầu hai tổ chức hành nghề công chứng khác nhau chứng nhận từng phần của hợp đồng. Văn bản công chứng có hiệu lực khi được ký và đóng dấu đầy đủ từ cả hai bên, có thể ở dạng giấy hoặc văn bản điện tử có chữ ký số hợp lệ.

Luật Công chứng 2024 mang lại nhiều thay đổi phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong các giao dịch pháp lý. Việc mở rộng các trường hợp công chứng, đơn giản hóa thủ tục và áp dụng công nghệ là những bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.

Theo: plo