“Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa”, ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái kinh doanh tại chợ đầu mối Mê Linh (Hà Nội) nói.
- Phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì, Trung Quốc ngừng nhập thanh long Việt Nam
- Cơn ác mộng với Trung Quốc nếu tập đoàn bất động sản Evergrande sụp đổ?
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều chuỗi cung ứng nông sản nội địa bị đứt gãy. Tuy nhiên, rau củ quả của Trung Quốc vẫn nhập ồ ạt vào nước ta.
Theo VnExpress đưa tin ngày 15/9, mỗi ngày Đông Nam Bộ dư 7 triệu con gà; Đồng Nai ùn ứ 80.000 con vịt, 6.000 con dê; Bình Dương tồn 2 triệu quả trứng gà.
Về rau quả, tỉnh Đồng Nai còn ùn ứ khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam quýt, 800 tấn củ đậu; rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn. Gia Lai còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, rau ngót còn 700 tấn…
“Đứt” hàng nội địa, thương lái buôn hàng Trung Quốc
Theo khảo sát của Thanh Niên tại chợ đầu mối Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) chuyên cung ứng các loại rau cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía bắc; các loại củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo, cà chua được bán rất nhiều, song các thương lái thừa nhận đây là hàng Trung Quốc. Trong khi rau quả trong nước thời điểm này chủ yếu là cải chíp, cải ngồng, các loại bí, đỗ xanh… Rau quả nhập từ Trung Quốc đổ về chợ ồ ạt khiến giá sản phẩm nội địa cùng loại giảm mạnh.
Ông Đàm Văn Đua – Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao – vựa trồng rau lớn nhất huyện Mê Linh cho biết, thời điểm này năm ngoái củ cải có giá 8.000 – 10.000 đồng/kg, có lúc lên tới 13.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay với việc củ cải Trung Quốc “dội chợ”, giá bán củ cải nội chỉ còn 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái kinh doanh tại chợ đầu mối Mê Linh, từ tháng 6 – 9 hằng năm, thị trường có thêm nhiều loại rau Trung Quốc nhưng tỷ lệ không áp đảo rõ ràng như năm nay. Do dịch Covid-19 kéo dài, các tỉnh miền Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến nguồn cung ứng rau ra phía bắc bị đứt gãy. Nhiều thương lái đã chuyển qua “đánh” hàng Trung Quốc. “Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa”, ông nói.
Số liệu thống kê tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) cho thấy trong ngày 14/9 có trên 350 xe rau, củ Trung Quốc được đưa vào nước ta, tổng cộng khoảng 3.200 tấn. Ở chiều ngược lại, tổng lượng rau củ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chưa đến 200 tấn.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản tháng 8 vừa qua giảm rất mạnh, tới 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu rau quả đã tăng tới 16,4% trong 8 tháng qua; và bộ này đã đưa rau quả vào danh sách “nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu”.
Rau quả VN bị Trung Quốc gây khó dễ
Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan công bố ngày 14/9 , hàng rau quả tháng 8 nhập từ Trung Quốc là 34,996 triệu USD và sau 8 tháng là 271,6 triệu USD. Thế nhưng, liên tiếp gần 2 tháng qua nhiều mặt hàng rau quả của VN liên tục bị Trung Quốc gây khó dễ.
Từ ngày 15/9, chính quyền Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam đến ngày 21/9; với lý do được đưa ra là phía Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì. Động thái này đẩy thủ phủ thanh long Bình Thuận lâm vào đường cùng bởi đang chính vụ, khi số lượng thu hoạch trong 2 tháng 8 và 9 ước tính khoảng 65.000 tấn.
Sau thanh long, mặt hàng khoai lang cũng đang chịu áp lực lớn khi đang giữa vụ, mà thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc. Ước tính sản lượng khoai lang tím đang cần hỗ trợ tiêu thụ mỗi ngày là trên 300 tấn.