Site icon MUC News

Nước cờ Trung Đông của ông Trump: Đòn phản công mềm giữa cuộc đua Mỹ – Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman tại Riyadh năm 2017. (Ảnh: NBC)

Chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Donald Trump đặt dấu ấn mới cho cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung tại Trung Đông, không bằng quân sự, mà bằng “sức mạnh đầu tư”.

Đòn bẩy 600 tỷ USD từ Saudi Arabia

Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump mở đầu chuyến công du Trung Đông tại Saudi Arabia bằng tuyên bố gây chú ý: Riyadh sẽ đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ. Trong số đó, 142 tỷ USD dành cho quốc phòng, còn lại trải rộng từ AI đến năng lượng.

Tập đoàn DataVolt sẽ xây dựng hạ tầng dữ liệu AI tại Mỹ; công ty Humain của Saudi ký hợp tác sử dụng hàng trăm nghìn chip của Nvidia – bước đi giúp Mỹ duy trì thế dẫn đầu công nghệ và đồng thời đẩy nhanh tham vọng “AI hóa” của Saudi Arabia theo chiến lược Vision 2030.

Thỏa thuận còn thu hút các ông lớn như Amazon, AMD tham gia đầu tư vào hạ tầng dữ liệu và bán dẫn. Trong khi đó, gói quốc phòng được Nhà Trắng mô tả là “lớn nhất lịch sử”, vừa tăng năng lực quân sự cho Saudi, vừa thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Chuyển dịch chiến lược: Kinh tế thay cho quân sự

Chuyến công du đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ 2 – cũng giống như nhiệm kỳ 1 – một lần nữa cho thấy trọng tâm chiến lược Mỹ tại Trung Đông không còn là hiện diện quân sự trực tiếp, mà là cạnh tranh kinh tế mềm với Trung Quốc.

Mỹ đang tìm cách tạo liên minh “đồng minh đầu tư” với các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE, Qatar. Việc tận dụng quỹ đầu tư nhà nước khổng lồ của các nước này (trị giá hơn 3.000 tỷ USD) giúp Mỹ vừa duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông, vừa kéo họ khỏi quỹ đạo hợp tác với Bắc Kinh.

Đây là phản ứng rõ rệt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực. Năm 2024, Trung Quốc đầu tư 39 tỷ USD vào năng lượng và hạ tầng tại Trung Đông, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia, và mở rộng ảnh hưởng thông qua vai trò trung gian ngoại giao.

Mỹ đạt thỏa thuận hợp tác lịch sử với Arab Saudi trong chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Donald Trump hôm 13/5 giờ địa phương. ( Ảnh: Bloomberg).

Ngoại giao linh hoạt, đặt lợi ích lên hàng đầu

Không chỉ thương mại, ông Trump đang triển khai một chiến lược ngoại giao thực dụng: Dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ; đề xuất đàm phán hạt nhân mới với Iran, nhưng cũng không ngần ngại đe dọa “sức ép tối đa”.

Tổng thống Mỹ cũng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel, dù triển vọng vẫn còn mờ mịt do vấn đề Palestine. Tuy nhiên, rõ ràng Mỹ đang muốn định hình lại trật tự khu vực, với vai trò chủ đạo thuộc về các đồng minh kinh tế chứ không phải hiện diện quân sự.

Đòn phản công địa chính trị mềm

Cuộc đua Mỹ – Trung tại Trung Đông đã chuyển sang giai đoạn mới – nơi mà công nghệ, đầu tư và năng lượng là vũ khí chính. Mỹ không chỉ củng cố vị thế địa chính trị, mà còn mở rộng ảnh hưởng trong các ngành công nghiệp tương lai như AI.

Dù vậy, thách thức vẫn còn: Giá dầu bất ổn, áp lực nội bộ tại Saudi Arabia, triển vọng mờ nhạt của đàm phán Iran hay bình thường hóa với Israel… đều là những biến số có thể khiến chiến lược của Mỹ lung lay.

Tuy nhiên, nước cờ lần này của ông Trump cho thấy một sự chuyển mình rõ nét: Trung Đông không còn là “bãi chiến trường”, mà đang trở thành “bàn cờ chiến lược” nơi các đại cường cạnh tranh bằng ảnh hưởng kinh tế và công nghệ – trong một ván cờ ngày càng quyết liệt.

Theo: Vietnamnet