Tình trạng phong tỏa kéo dài ở một số địa phương của Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều công ty nước ngoài đang có ý định rời khỏi Việt Nam vì lý do này.
Ngày 8/9, Vnexpress phiên bản tiếng Anh có trích dẫn khảo sát của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK). Theo khảo sát, 90% công ty Đức tại Việt Nam đang tìm kiếm nhà cung cấp mới ở các khu vực khác của châu Á- Khu vực Thái Bình Dương để duy trì năng lực sản xuất. Tổng cộng 3.000 lãnh đạo doanh nghiệp đã được phỏng vấn trong cuộc khảo sát, từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8.
Ngoài thông số trên, cuộc khảo sát cho thấy, 83% số công ty được hỏi đã chỉ ra những khó khăn về giao thông. Hoạt động lưu thông không gián đoạn, thiếu container; dẫn đến tắc nghẽn nguồn cung và tăng chi phí vận chuyển.
67% công ty chỉ ra vấn đề về hoạt động sản xuất không đủ công suất. 58% công ty đề cập đến khó khăn do các bên cung ứng ngừng hoạt động.
Một số công ty của Đức đang xem xét chuyển năng lực sản xuất của họ trở lại EU.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, một nhà xuất khẩu hạt điều cho biết: Từ giữa tháng 7 họ đã bắt đầu ngừng sản xuất. Một giám sát viên cho biết nếu Việt Nam tháo dỡ các biện pháp phong tỏa, các công nhân có thể trở lại làm việc vào cuối tháng 9. Khi đó dự kiến chỉ có khoảng 30-50 nhân viên có thể trở lại làm việc ngay lập tức. Nếu số lao động dần dần tăng trở lại, thì chuỗi cung ứng mới có thể hạn chế tình trạng gián đoạn.
Tình trạng phong toả đang tàn phá chuỗi cung ứng
Các công ty quần áo đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Việt Nam vì Covid-19, theo Axios.
Việt Nam là nhà sản xuất cho nhiều nhãn hiệu quần áo của Mỹ. Nhu cầu về quần áo của người Mỹ đang tăng lên do nước này dở bỏ các hạn chế. Nhưng các công ty lại gặp khó khăn trong việc thu gom hàng hoá tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường Mỹ.
Việt Nam có chưa tới 2.000 ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn trước tháng 7 năm nay. Nhưng kể từ tháng 7, con số này đã tăng lên nhanh chóng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng nay (9/9), Việt Nam có tổng cộng 563.676 ca mắc nCoV. Hơn 60% bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Theo số liệu của Bank of America, một số thương hiệu lớn nhất ở Mỹ có lượng lớn hàng hóa của họ được sản xuất tại Việt Nam. Các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết Gap và Lululemon Athletica mỗi hãng có một phần ba sản lượng đến từ Việt Nam. Nike có khoảng 51% giày dép và 30% quần áo đến từ Việt Nam, theo Axios.
Với tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt đang được tiến hành, rất khó để các thương hiệu có được lượng hàng hóa mà họ cần từ Việt Nam.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng may mặc không phải là ngành duy nhất bị ảnh hưởng. Theo Business Insider, Việt Nam là nhà cung cấp hạt cà phê lớn thứ hai trên thế giới; và do Việt Nam vẫn đang trong tình trạng bế tắc, chuỗi cung ứng đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.