UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu thu hồi quyết định cho doanh nghiệp thuê hơn 31.000 m2 đất để xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại huyện Nam Trà My.
- Khẩn cấp: Sạt lở đất ở Quảng Nam vùi lấp 53 người, việc tìm kiếm đang rất khó
- Những học trò mồ côi sau trận lở núi tại Trà Leng
- Gia đình 9 người chạy thoát sau tiếng nổ lớn từ ngọn đồi ở Tây Giang
Trao đổi với báo Zing trưa 26/11, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ông đã chỉ đạo thu hồi quyết định 3272 do ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh, ký ngày 20/11.
Theo đó, quyết định 3272 do ông Hồ Quang Bửu ký về việc cho phép Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê hơn 31.000 m2 đất (đợt 2) tại 2 xã Trà Don và Trà Nam, huyện Nam Trà My, để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đăk Di 2.
Trong đó, phần diện tích hạng mục xây dựng nhà máy là 2.770 m2, diện tích hạng mục xây dựng đập và lòng hồ hơn 20.000 m2, diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp hơn 7.000 m2.
Đơn vị thuê đất trả tiền đến ngày 28/8/2059 và các phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền trên 21,6 tỉ đồng.
Ông Thanh cho biết ngày 11/11, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
“Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nắm rõ chỉ đạo này và tham mưu ký cho thuỷ điện Đăk Di 2 thuê đất là chưa phù hợp. Vì vậy, tôi đã chỉ đạo phải thu hồi để chờ rà soát, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ cho ý kiến chung, sau đó mới xem xét tiếp”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu cho biết, thủy điện Đắk Di 2, là 1 trong 36 thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt cách đây hơn 5 năm.
“Thủy điện này đã được phê duyệt từ lâu chứ không phải mới được đồng ý phê duyệt cho xây dựng. Tôi sẽ ký quyết định thu hồi đối với quyết định 3272, để rà soát lại tất cả các thủy điện vừa và nhỏ”, ông Bửu nói trên báo VietNamnet.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, vị trí xây dựng đập và nhà máy thủy điện Đắk Di 2 ở lưu vực sông và khu vực trồng lúa, không ảnh hưởng và không phá rừng phòng hộ và rừng tự nhiên.
Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn huyện Nam Trà My có thủy điện Trà Linh 3 đã xây dựng và đưa vào vận hành được 10 năm. Ngoài ra, có một số thủy điện khác đã được thống nhất đầu tư và đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng.
“Trong tháng 10, huyện Nam Trà My xảy ra 2 vụ sạt lở tại xã Trà Vân và Trà Leng khiến 17 người chết và 13 người đang mất tích. Từ xã Trà Vân, Trà Leng đến thủy điện Trà Linh 3 hơn 40km, nên không thể khẳng định thủy điện là nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở ở 2 xã này”, ông Dũng cho hay.