Site icon MUC News

Tham vọng cảng biển của Trung Quốc: Các nước hãy nghĩ kĩ trước khi nhượng chủ quyền cho Bắc Kinh

Cảng biển Hải Khẩu Tú Anh, huyện Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (ảnh: Wikimedia Commons). Chuyên gia cảnh báo các nước cần cảnh giác với tham vọng cảng biển toàn cầu của Trung Quốc.

Cảng biển Hải Khẩu Tú Anh, huyện Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (ảnh: Wikimedia Commons). Chuyên gia cảnh báo các nước cần cảnh giác với tham vọng cảng biển toàn cầu của Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào các cảng biển trên quy mô toàn cầu. Bất chấp những lợi ích kinh tế liên quan đến các khoản đầu tư như vậy; The Epoch Times cho biết các chuyên gia cảnh báo rằng lợi ích của Bắc Kinh đối với các cảng biển toàn cầu có thể thúc đẩy tham vọng quân sự của Trung Quốc.

https://cdn.mucnews.com/wp-content/uploads/2021/09/cang-bien-trung-quoc.mp3
Nghe audio bài viết: “Tham vọng cảng biển của Trung Quốc: Chuyên gia cảnh báo các nước hãy nghĩ kĩ trước khi nhượng chủ quyền cho Bắc Kinh”

Tới nay, Trung Quốc có dự án đầu tư vào khoảng 100 cảng biển tại ít nhất 60 quốc gia. Các nhà khai thác cảng, công ty vận tải biển và các nhà đầu tư của nhà nước Trung Quốc đang tiếp tục hỗ trợ Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát đối với các cảng trên khắp thế giới.

Tham vọng cảng biển toàn cầu của Trung Quốc

Ông Larry Bailey, một sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là thành viên của Ủy ban Công dân Phi lợi nhuận về An ninh Quốc gia, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn tìm cách chiếm đoạt lợi thế về tài chính, chính trị và quân sự trên khắp thế giới.

Ông Bailey nói với The Epoch Times: “Các cảng vận chuyển đang trở thành một phần trong kế hoạch của ĐCSTQ nhằm chen chân vào bất kì cánh cửa nào ở bất kì đâu”.

Hơn 100 năm trước, chuẩn đô đốc Mỹ Alfred Thayer Mahan đã công nhận cảng biển là một trong những chìa khóa cho sức mạnh toàn cầu. ĐCSTQ bám theo chặt chẽ quan điểm này của chuẩn đô đốc Mahan, theo ông James R. Holmes, một chuyên gia chiến lược Hàng hải tại Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Ông Holmes viết cho The Epoch Times qua email: “Các chiến lược gia Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng cốt yếu của thương mại đường biển và sự cộng sinh giữa thương mại và sức mạnh hải quân”.

Ông Bailey lưu ý rằng ĐCSTQ vừa có “ý định thắt chặt” thương mại trên toàn thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại mua lại các cảng biển; điều đó dường như “được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố kinh tế”.

Các cơ sở cảng biển có thể được sử dụng cho cả tàu thương mại và quân sự. Vì vậy, ông Bailey đặc biệt lo ngại về sức mạnh hàng hải ngày càng mở rộng của chính quyền Trung Quốc.

Sức mạnh hàng hải mang lại nhiều lợi thế quân sự

Theo ông Bailey, sức mạnh hàng hải mang lại một số lợi ích; như “ảnh hưởng ngoại giao, thúc đẩy nền kinh tế”. Sức mạnh kinh tế là một lại vũ lực bắt ép. Đó cũng là điều mà ông Bailey cảm thấy đáng lo ngại nhất.

Theo ông Bailey, nhờ có các cảng biển tại nhiều nơi, quân đội trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận tới gần bất kì nơi nào trên khắp thế giới. Điều này đặc biệt đáng quan ngại; đặc biệt là vì nó liên quan đến một chính phủ đang tìm kiếm sự thống trị toàn cầu như ĐCSTQ.

Thông qua việc mua lại các cảng biển thương mại, Bắc Kinh có thể biến chúng thành các cơ sở quân sự.

Chuyên gia cảnh báo các quốc gia sở tại

Chiến lược gia Holmes cảnh báo: Mặc dù các quốc gia sở tại có thể thấy rằng hợp tác với Trung Quốc mang lại lợi ích kinh tế, nhưng họ có thể sẽ phải đánh đổi rất nhiều.

Việc cho phép Hải quân Trung Quốc sử dụng các cảng của quốc gia sở tại có thể khiến họ bị mắc kẹt nếu xảy ra chiến tranh, theo ông Holmes. Đó sẽ là một yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng lâu dài.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng có thể tận dụng các mối quan hệ thương mại của mình để gây áp lực lên các nước sở tại.

ĐCSTQ “có thể giữ tài sản của các đối tác thương mại làm con tin, [đặc biệt là khi] họ phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển kinh tế”, theo ông Holmes. Các nước có thể sẽ buộc phải thuận theo Trung Quốc và không dám làm những điều khiến Bắc Kinh khó chịu; chẳng hạn như hợp tác với Hoa Kỳ về an ninh.

Ông Bailey đã đưa ra lời cảnh báo cho các quốc gia làm ăn với ĐCSTQ: “Không ai thực sự biết ĐCSTQ đang nghĩ gì; bất kì lợi ích nào mà họ đang có vào lúc này cũng có thể quyết định họ sẽ đi đâu và làm gì”.

Ông kêu gọi các nước “giữ quyền kiểm soát các cảng biển và tài nguyên thiên nhiên của mình, bởi vì chính quyền Trung Quốc rõ ràng muốn cả hai”.

Đối với ông Holmes, có thể nhìn vào hành động của chính quyền Trung Quốc để phán đoán Trung Quốc đang nghĩ gì.

Ông nói: “Trung Quốc cứ tự hào nhận bản thân mình là quốc gia chống lại đế quốc, nhưng cách cư xử của Trung Quốc rất giống như các chế độ đế quốc từng cai trị họ trong ‘thế kỉ ô nhục'”.

Thế kỉ ô nhục (Bách niên quốc sỉ – century of humiliation) là cụm từ mà ĐCSTQ thường dùng để tuyên truyền bôi nhọ thời kì châu Âu, Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản can thiệp, xâm chiếm Trung Quốc từ năm 1839 tới năm 1949.

Chiến lược gia Holmes bình luận: “Các quốc gia chủ nhà nên xem xét kỹ hành vi của Trung Quốc ở các vùng biển quanh Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương; trước khi họ từ bỏ dù chỉ một chút xíu chủ quyền đối với các cảng biển và tài nguyên thiên nhiên của mình.”