Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan; Đồng Văn thiếu hơn 100 nhà vệ sinh trường học… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 18/8/2023.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan
Đến hôm nay, hết thời hạn kháng cáo, TAND Hà Nội đã nhận được đơn chống án của 18 trong 54 bị cáo.
Bốn người bị tòa sơ thẩm phạt chung thân đều kháng cáo, trong đó Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, kêu oan. Ba người còn lại xin giảm hình phạt là bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Trong 14 người còn lại, ông Trần Văn Tân, cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng 12 người xin giảm hình phạt. Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, án sơ thẩm 18 năm tù, kháng cáo kêu oan (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Cựu giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa lĩnh 4 năm tù giam
Sáng 18/8, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Sau hơn 1 ngày nghị án, căn cứ cáo trạng truy tố, bản luận tội và đề nghị của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố, các chứng cứ tại tòa, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Hằng, cựu giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, 4 năm tù; Nguyễn Văn Phụng 3 năm 6 tháng; Lê Văn Cương 3 năm tù; Trịnh Hữu Nghĩa 3 năm tù; Bùi Trí Thức 3 năm tù.
Bị cáo Lê Thế Sơn 4 năm tù; Đặng Xuân Minh 24 tháng tù; Nguyễn Quốc Việt 27 tháng tù; Hồ Thị Sáu 15 tháng tù; Nguyễn Duy Linh 24 tháng tù; Bùi Việt Long 24 tháng tù. Riêng bị cáo Vũ Thị Ninh bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngoài ra, HĐXX cũng đã quyết định buộc bị cáo có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bồi thường số tiền gây thiệt hại là hơn 20,8 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Đồng Văn thiếu hơn 100 nhà vệ sinh trường học
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Văn, Hà Giang, các trường trên địa bàn huyện hiện có 180 công trình vệ sinh cho học sinh và 63 công trình cho giáo viên. Tuy nhiên, với hơn 27.000 học sinh và gần 1.500 giáo viên, Đồng Văn hiện còn thiếu 88 nhà vệ sinh cho các em và 42 công trình cho thầy cô.
Chia sẻ về thực trạng này, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Văn cho biết: “Ngay từ lúc xây dựng, trường học chưa có kinh phí để làm nhà vệ sinh tại một số điểm trường, dẫn đến tình trạng bất cập trong sử dụng về sau”.
Bên cạnh tình trạng quá tải, nhiều nhà vệ sinh ở một số điểm trường trong tình trạng xây tạm hoặc lâu năm nhưng đã xuống cấp, không sử dụng được, không có hệ thống tự hủy, thiếu hệ thống nước, thiếu phân khu cho học sinh nam nữ, cho giáo viên. Nhiều điểm trường thậm chí không có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
“Không chỉ cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, nguồn nước sạch không đảm bảo, không có chỗ tập kết và xử lý rác thải… còn là vấn đề nan giải của ban giám hiệu các trường”, Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Văn nói thêm.
Là giáo viên tại trường PTDTBT Tiểu học Ma Lé, thầy Chá Mĩ Dình cho biết nhiều lần thầy cùng giáo viên trong trường phải tự tay tu sửa nhà vệ sinh đã xuống cấp để học sinh an tâm sử dụng. “Nhà vệ sinh không đủ để đáp ứng nhu cầu của học sinh, vào mùa khô không có nước, nặng mùi khiến các em đi học thất thường”, thầy Chá Mĩ Dình nói.
Thầy Trương Dự Định, giáo viên trường THCS Phố Cáo cho biết trường chung khuôn viên với cấp tiểu học, cơ sở vật chất của hai bên đều thiếu thốn, mỗi trường chỉ có một nhà vệ sinh và dành cho học sinh, không có cho giáo viên nên thầy cô phải sử dụng phòng vệ sinh ở nhà công vụ và phòng trọ (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Anh thợ điện kể giây phút cứu người đuối nước trên sông Gianh
Tối 17/8, chưa hết bàng hoàng sau cái chết của anh L. (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) do bị đuối nước tử vong, anh Nguyễn Tuấn Vũ, hiện công tác tại Đội quản lý vận hành thuộc Điện lực Quảng Trạch, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình kể lại, vào khoảng 17h40 ngày 16/8, trên đường đi làm về, nghe tiếng người hô hoán có người bị đuối nước, anh nhanh chóng tới khu vực xảy ra tại nạn và nhảy xuống sông Gianh cứu người.
“Lúc đầu tôi bơi ra cứu cháu gái (con ông L.) vào bờ trước để những người trên bờ sơ cứu, rồi tiếp tục cứu người bố. Thấy ông L. đang ngoi ngóp, tôi vừa bơi vừa đẩy nạn nhân vào bờ”, anh Vũ thuật lại.
Cùng thời điểm, anh Phan Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch đang tản bộ sau giờ làm, nghe tiếng kêu cứu cũng lập tức xuống sông cứu người.
Tuy nhiên, do nước chảy xiết nên hai người không thể đưa được nạn nhân vào bờ. Lúc đó, một thuyền của ngư dân đi qua hợp sức hỗ trợ. Lúc đó do Anh Hải bắt đầu đuối sức. Người lái thuyền và anh Vũ nỗ lực kéo cả anh Hải và nạn nhân lên bờ.
Trên bờ, anh Vũ hô hấp hà hơi, thổi ngạt cho nạn nhân khoảng gần 10 phút. Sau đó xe cứu thương đến đưa cả anh Hải cùng nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình.
Khi xe cấp cứu rời đi, anh Vũ tự đi về nhà. Tuy nhiên do quá đuối sức, anh Vũ ngã ra đường, được người dân trong tổ dân phố sơ cứu và đưa vào nhập viện.
Đang nghỉ ngơi tại nhà sau khi được các bác sĩ cho ra viện, anh Phan Thanh Hải cho biết, gia đình anh và gia đình nạn nhân ở cùng tổ dân phố, khúc sông mà nạn nhân gặp nạn bình thường rất đông người dân tắm mỗi chiều, không hiểu sao hôm qua không có người.
“Khi nghe tin anh L. đã mất, tôi rất bàng hoàng. Vì trước đó tôi đã đẩy được anh ấy vào bờ”, anh Hải nói (đọc toàn bản tin trên Báo Giao Thông).
Có thể bạn quan tâm: