Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của doanh nghiệp trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’, với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Ngoại giao tự hiểu sẽ ‘được cảm ơn’
Ngày 3/4, ông Tô Anh Dũng bị truy tố tội Nhận hối lộ; cùng tội danh này trong vụ “chuyến bay giải cứu’ còn có các bị can Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của cựu Phó Thủ tướng), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)…
Vai trò của ông Dũng trong vụ án này là lớn, khi ông với cương vị thứ trưởng, phụ trách Cục Lãnh sự, có nhiệm vụ chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện ‘chuyến bay giải cứu’ đưa công dân về nước khi xảy ra Covid-19. Ông trực tiếp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ xét duyệt, cấp phép chuyến bay trên ý kiến thống nhất của Tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng).
VnExpress dẫn cáo trạng cho biết, nhận thấy vai trò của ông Tô Anh Dũng, 13 cá nhân đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để được giải quyết thủ tục. Trong lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục giúp cấp phép chuyến bay, tổ chức chuyến bay combo.
Hai bên không thỏa thuận nhưng ông Dũng và các doanh nghiệp đều hiểu sẽ có “phần tiền cảm ơn”, cơ quan điều tra cáo buộc.
Theo đó, lần đầu tiên vào tháng 5/2020 tại phòng làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, ông Dũng đã nhận 8 lần của bị can Mơ, tổng cộng 8,5 tỷ đồng. Ông còn 29 lần nhận tiền của các doanh nghiệp khác tại phòng làm việc, nhà riêng, quán cà phê.
Theo kết luận điều tra, ông Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ gồm 14,1 tỷ đồng và 320.000 USD, tổng cộng 21,5 tỷ đồng.
Cựu Phó chủ tịch Hà Nội nhận hơn 2 tỷ đồng
Cùng vụ án trên còn có bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội.
Ông Dũng, với vai trò là Phó chủ tịch TP Hà Nội, được giao nhiệm vụ giải quyết công việc liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cáo trạng cáo buộc ông Dũng nhận hơn 2,05 tỷ đồng từ Lê Thị Ngọc Anh, chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương và Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty xây dựng Thái Hòa, để cấp chủ trương cách ly cho năm doanh nghiệp theo yêu cầu của Ngọc Anh và Tuấn.
Cáo trạng nói ông Dũng ‘nhận thức được hành vi của mình’ khi bị điều tra. Gia đình Dũng đã nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính.
Cáo buộc cựu phó giám đốc Công an Hà Nội nhận ‘chạy án’ 61 tỷ đồng
Trong cáo trạng vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội Môi giới hối lộ.
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022, ông Tuấn nhận 2,65 triệu USD (hơn 61,9 tỷ đồng) từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời Xanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Travel Sky) rồi “liên hệ, gặp gỡ, tác động, đưa tiền” cho Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng điều tra, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) để “lo” cho Hằng, Lê Hồng Sơn (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ & Du lịch Bầu trời xanh) không bị xử lý hình sự.
Ông Tuấn khai đã sử dụng 400.000 USD và đưa 2,25 triệu USD cho bị can Hưng. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng “chỉ có đủ căn cứ kết luận” ông Hưng nhận 800.000 USD, qua hai lần vào tháng 11-12/2022. Số tiền còn lại 1,45 triệu USD là chưa có cơ sở, do đó ông Tuấn phải chịu trách nhiệm về 1,85 triệu USD (1,45 triệu USD + 400.000 USD), tương đương gần 43 tỷ đồng.
Quả bom hạt nhân bị vẹo tại Hà Lan gây lo ngại
Vào hôm 3/4, Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) đăng bức ảnh được cho là quả bom hạt nhân B61 bị hư hại tại căn cứ không quân ở Hà Lan. Trong bức ảnh còn có 3 binh sĩ Mỹ đánh giá thiệt hại của quả bom. Phần đuôi của quả bom dường như bị vẹo và mất một cánh. Ngoài ra còn có mảng băng dính màu hồng che một cái lỗ.
Không lực Hoa Kỳ tại châu Âu và LANL không bình luận về bức ảnh. Trong khi đó, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của FAS là Hans Kristensen lại nhận xét rằng chưa rõ B61 trong bức ảnh là bom thật hay mẫu dành cho huấn luyện. Điều này đã khiến nhiều người hoang mang.
Nhưng cùng ngày 3/4, Lầu Năm Góc lên tiếng đính chính cho biết quả B61 trong bức ảnh là vũ khí giả dùng trong huấn luyện, theo Guardian. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Oscar Seára nói: “Tại mọi cơ sở quân sự, chúng tôi có một đội phản ứng phải huấn luyện cùng nhau, và đó là những gì đã xảy ra, bức ảnh được đưa vào cẩm nang tuyển dụng”.
Ukraine phản ứng về cáo buộc đứng sau vụ sát hại blogger quân sự Nga
Trang tin Shot của Nga nói rằng họ có nguồn tin cho thấy Darya Trepova, 26 tuổi, nghi phạm chính trong vụ đánh bom khiến blogger Vladlen Tatarsky thiệt mạng hôm 2/4, khai nhận thực hiện phi vụ theo thỏa thuận với Roman Popkov, cựu nhà báo có quan hệ với Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Tuy nhiên, những nhận định này đã bị người đứng đầu Ukraine bác bỏ. Cụ thể, Tổng thống Zelensky nói hôm 3/4 rằng: “Về vụ việc ở St. Petersburg. Tôi không nghĩ chuyện gì đang xảy ra ở St. Petersburg hay ở Moscow. Họ phải suy nghĩ. Nga phải suy nghĩ về các thành phố của họ. Tôi đang suy nghĩ về đất nước của chúng tôi. Và các thành phố của chúng tôi”.