Các nhà khoa học quốc tế vừa đưa ra giả thuyết gây chú ý: Trái Đất cùng thiên hà Milky Way có thể đang trôi nổi trong một “lỗ hổng vũ trụ” rộng tới 2 tỉ năm ánh sáng, khiến các phép đo tốc độ giãn nở của vũ trụ bị sai lệch và thách thức các mô hình vũ trụ học chuẩn hiện nay.
- Vương Nghị buột miệng: Bắc Kinh sợ Mỹ – học giả Dư Mậu Xuân phân tích chiến lược ẩn sau phát ngôn
- Vi phạm giao thông sẽ gửi thông báo trong vòng hai giờ
- Sự thật về Năng lượng xanh qua phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump
Phát hiện từ “Tiếng vọng Big Bang”
Theo Live Science và nhiều tạp chí khoa học quốc tế, nghiên cứu mới công bố bởi nhóm nhà thiên văn học do Tiến sĩ Indranil Banik, Đại học Portsmouth (Anh), dẫn đầu đã thu thập và phân tích dữ liệu hơn 20 năm về hiện tượng dao động âm thanh baryon (BAO).
BAO là dạng sóng áp suất hình thành sau vụ nổ Big Bang, tồn tại dưới dạng “tiếng vọng âm thanh” và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân bố của các thiên hà trong vũ trụ ngày nay.
Kết quả phân tích bất ngờ cho thấy: Trái Đất cùng toàn bộ hệ Mặt Trời và thiên hà Milky Way có thể đang nằm giữa một vùng vũ trụ rộng khoảng 2 tỉ năm ánh sáng với mật độ vật chất thấp hơn trung bình khoảng 20%.
Giải mã bí ẩn “Sức căng Hubble”
Giả thuyết về “lỗ hổng vũ trụ” cũng góp phần lý giải một trong những bài toán lớn nhất của ngành thiên văn hiện đại: mâu thuẫn trong phép đo tốc độ giãn nở của vũ trụ, còn gọi là “sức căng Hubble”.
Theo TS Banik, khi nằm trong vùng có mật độ thấp hơn, tốc độ giãn nở tại khu vực đó sẽ cao hơn so với vùng vũ trụ có mật độ bình thường, từ đó dẫn đến sai số trong các phép đo truyền thống. Điều này có thể là nguyên nhân chính gây ra sự chênh lệch dữ liệu giữa hai phương pháp đo vốn được coi là chuẩn mực trong vũ trụ học hiện nay.
Xác suất thực tế cao gấp 100 lần
Điều đáng chú ý là khả năng Trái Đất đang thực sự nằm trong một “lỗ hổng vũ trụ” được nhóm nghiên cứu đánh giá cao gấp 100 lần so với khả năng hành tinh của chúng ta ở trong vùng có mật độ trung bình.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vật chất trong vùng trống này đang tiếp tục bị lực hấp dẫn kéo ra bên ngoài, làm cho khu vực ngày càng rỗng hơn. Điều đó càng khiến các quan sát thiên văn hiện tại có nguy cơ sai lệch lớn hơn nếu không tính đến yếu tố này.
Thách thức với mô hình vũ trụ chuẩn
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đối chiếu giả thuyết “lỗ hổng vũ trụ” với các mô hình vũ trụ học khác. Nếu được xác nhận, các mô hình hiện nay như Lambda-CDM – vốn là nền tảng của ngành vũ trụ học hiện đại – có thể phải điều chỉnh.
Theo các chuyên gia của NASA và Viện Vật lý Thiên văn Paris, đây là một hướng nghiên cứu mới mẻ và đầy tiềm năng, đặc biệt khi vấn đề “sức căng Hubble” chưa có lời giải cuối cùng.
Nguồn: Người Lao Động