Site icon MUC News

Trung Quốc dùng Tây Tạng để khống chế Việt Nam và các nước Nam Á

Trung Quốc dùng Tây Tạng để khống chế các nước Nam Á như Việt Nam

Trung Quốc dùng Tây Tạng để khống chế các nước Nam Á như Việt Nam (ảnh: Getty).

Tây Tạng là một khu vực trọng yếu mà chính quyền Trung Quốc dùng để khống chế các nước Nam Á như Việt Nam. “Hãy giải phóng Tây Tạng để cứu Nam Á”.

Đó là tiêu đề bài bình luận của bà Patricia Adams, nhà kinh tế học, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Thăm dò Năng lượng (Canada); và ông Lawrence Solomon, giám đốc điều hành Viện Chính sách Tiêu dùng (Canada).

Trong bài phân tích trên The Epoch Times, hai nhà nghiên cứu cho biết: Vùng đất Tây Tạng là một trong những khu vực địa chiến lược nhất trên hành tinh.

Khu vực Tây Tạng là đầu nguồn của 10 con sông lớn chảy vào 10 quốc gia. Hầu hết các quốc gia này đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Với việc kiểm soát Tây Tạng, Trung Quốc có thể thao túng các con sông “để gây tổn hại kinh tế cho các nước láng giềng, tống tiền các nước láng giềng để buộc họ phải tuân theo những ý đồ bất chợt của Trung Quốc và nếu cần, biến các con sông thành vũ khí chiến tranh”, theo hai nhà nghiên cứu Adams và Solômn.

Một ví dụ nổi bật là sông Mekong, một trong những sông lớn nhất thế giới. Con sông này bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Vân Nam (Trung Quốc), và các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, sau đó đổ ra Biển Đông.

Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên sông Mekong, còn có các dự án thủy điện ở Lào, Thái Lan. Sau khi các đập này được đưa vào sử dụng, các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong chứng kiến cảnh tượng hạn hán tồi tệ nhất chưa từng thấy trong nhiều thế hệ.

Các đập thủy điện trên sông Mekong. Các đập đang vận hành (chấm tròn màu đen), các đập có kế hoạch xây dựng (chấm tròn màu trắng), và các đạp đang xây dựng (chấm tròn có đốm). Ảnh từ http://phongchongthientai.mard.gov.vn/.

Dòng chảy sông Mekong bị thu hẹp nghiêm trọng ở Thái Lan và Việt Nam. Cây lúa, cây đường và nghề cá của người dân địa phương bị tàn phá nghiêm trọng.

Trung Quốc phủ nhận rằng vấn đề này là do các con đập của họ gây ra, mà đổ lỗi cho lượng mưa thấp dẫn đến hạn hán.

Trong khi các quốc gia ở hạ nguồn bị thiếu hụt nước, thì các hồ chứa đập của Trung Quốc vẫn đầy nước. Trung Quốc đã “không xả nước trong mùa mưa, ngay cả khi việc hạn chế nước từ Trung Quốc có tác động nghiêm trọng đến hạn hán ở hạ lưu”, theo Giám đốc điều hành của Eyes on Earth, Alan Basist.

Các nhà phân tích của Trung tâm Stimson cũng đưa ra kết luận tương tự: “Các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nhiều nước đến mức ngăn chặn hoàn toàn sự gia tăng mực nước sông do gió mùa hàng năm ở Chiang Saen, Thái Lan. Điều này không hề xảy ra kể từ khi các ghi chép hiện đại được lưu giữ”.

Giải phóng Tây Tạng khỏi chính quyền Trung Quốc có thể cứu giúp các nước Nam Á

Các nhà nghiên cứu nhận định: “Ngoại trừ Việt Nam, quốc gia từng xảy ra chiến tranh biên giới ngắn ngủi với Trung Quốc vào năm 1979, thì không nước nào khác ở khu vực phía nam sông Mê Kông có khả năng chống lại Trung Quốc về mặt quân sự”.

Bà Adams và ông Solomon lưu ý rằng Trung Quốc đang “có kế hoạch bổ sung thêm 20 con đập khác trên sông Mê Kông cộng với 7 con đập hiện tại”.

Các quốc gia ở hạ nguồn của Tây Tạng không có khả năng chống đỡ về mặt quân sự. Vì vậy, “họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc tuân theo các điều khoản của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại hoặc các lĩnh vực tranh chấp khác”.

“Theo thời gian, họ có thể bị giáng xuống thành các nước chư hầu (của Trung Quốc)”, hai nhà nghiên cứu Adams và Solomon cho biết.

Một ví dụ khác, các nhà nghiên cứu cho biết Trung Quốc có thể thao túng sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ.

Con sông Brahmaputra đóng góp gần 30% nguồn nước ngọt cho Ấn Độ. Con sông này chảy từ dãy Himalaya của Tây Tạng, qua Ấn Độ, sau đó hợp với sông Hằng, rồi đổ ra vịnh Bengal.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên sông Brahmaputra. Một trong số đó sẽ có công suất gấp đôi so với Thủy điện Tam Hiệp, hiện là con đập lớn nhất thế giới.

Các nhà phân tích quân sự ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận ra khả năng tàn phá Ấn Độ của những con đập này nếu xung đột hai nước xảy ra, và Ấn Độ sẽ rơi vào vị thế không thể chống chọi được.

Bà Adams và ông Solomon cho rằng: “Để ngăn chặn sự đầu hàng của phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả các nước Nam Á vào tay bá quyền Trung Quốc, thì Hoa Kỳ, các nước châu Á và các tổ chức phi chính phủ đang đưa ra cảnh báo về những nguy cơ đang rình rập và cố gắng gây áp lực ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc kiềm chế tham vọng của mình”.

Hai nhà nghiên cứu viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chứng minh rằng họ không chịu tuân thủ pháp luật mà thế giới chấp nhận, đối với bất kể vấn đề gì, từ việc nô dịch người Duy Ngô Nhĩ, mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công, hay việc tiếp quản Hồng Kông hoặc Tây Tạng”.

Hai nhà nghiên cứu cho rằng phương Tây cần “khôi phục quyền tự chủ của Tây Tạng” bằng cách chấm dứt sự kìm kẹp kéo dài hàng thập niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Tây Tạng.

“Bất cứ nơi nào tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Nam Á, phương Tây phải có biện pháp đáp trả, để ngăn Trung Quốc tiếp tục chính sách thôn tính lâu dài và dần dần đối với các vùng đất mà nước khác tuyên bố chủ quyền”.