Trung Quốc đang nắn gân tân Tổng thống Mỹ Joe Biden bằng chính chiêu trò đã từng khiến chính quyền Obama mắc sai lầm, theo Bloomberg.
Bài báo được đưa ra hôm 5/4, khoảng 2 tuần kể từ khi Bắc Kinh bao biện về việc đưa hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh biện minh: Hàng trăm tàu của Trung Quốc chỉ đang “trú ẩn khỏi giông bão”.
Tuy nhiên, 2 tuần sau, vẫn còn hơn 40 tàu dân quân Trung Quốc lảng vảng quanh Đá Ba Đầu.
Giới quan sát cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là một phần thủ đoạn nhằm đẩy lùi các ngư dân Việt Nam ra khỏi Biển Đông.
Thủ đoạn bất lương và tốn kém
Theo Bloomberg, ông Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết: “Nếu mục tiêu của họ là chiếm đoạt một vùng biển và đảo san hô mà không phải chiến đấu, thì đây là một thủ đoạn hiệu quả, dù bất lương”.
Ông nói thêm về lời bao biện của Trung Quốc: “Những người đi biển chuyên nghiệp đều biết đó là một lời nói dối – không ai đưa tàu vào trú ẩn trong vùng bão hàng tuần liền trước khi cơn bão xảy ra”.
Ông Schuster cũng chỉ ra rằng thủ đoạn này cũng tiêu tốn không ít của Trung Quốc. Ông nói: “Nếu chúng thực sự là các tàu thương mại, thì họ sẽ tốn hàng trăm, hàng ngàn đô la một ngày để giữ chúng nằm yên với nhau.”
Vụ việc tương tự ở Bãi cạn Scarborough năm 2012
Vụ việc hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu làm gợi nhớ vụ bãi cạn Scarborough năm 2012.
Bãi cạn Scarborough là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và Đài Loan. Bãi cạn này chỉ cách đảo lớn Luzon của Philippines 230 km; còn cách Trung Quốc tới 1.000 km.
Năm 2012, Trung Quốc cho hàng loạt tàu cá tập trung ở bãi cạn Scarborough. Tình hình leo thang căng thẳng, Philippines và Trung Quốc thỏa thuận rút khỏi bãi cạn. Các tàu Philippines làm theo thỏa thuận; nhưng các tàu Trung Quốc vẫn ở lại bãi cạn.
Tờ Foreign Policy hôm 22/3 cảnh báo: Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chiếm Đá Ba Đầu vĩnh viễn, tương tự như vụ bãi cạn Scarborough năm 2012.
Sai lầm của chính quyền Obama-Biden trong vụ Bãi cạn Scarborough
Tờ Bloomberg cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và cấp phó Joe Biden trước đây đã không ngăn chặn Trung Quốc trong vụ Bãi cạn Scarborough năm 2012.
Vụ việc này chính là “tiền lệ cho việc Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự trên khắp Biển Đông”, theo Bloomberg.
Khi đó ông Joe Biden là Phó Tổng thống của ông Obama. Chính ông Biden là người đã ngăn cản hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông nhằm tránh căng thẳng với Trung Quốc, theo Breitbart.
Kết quả là Mỹ không có cuộc tuần tra nào ở Biển Đông trong suốt giai đoạn 2012-2015. Trong thời gian đó, Trung Quốc tranh thủ xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và trang bị khí tài trên các hòn đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc đang nắn gân ông Biden
Tờ Bloomberg nhận định: “Nhìn chung, ngày càng có vẻ như Bắc Kinh đang thăm dò xem Tổng thống Joe Biden sẽ có hành động nào không; sau khi cam kết làm việc với các đồng minh trong khu vực để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc”.
Ông Carl Schuster, hiện là giảng viên hỗ trợ của chương trình khoa học quân sự và ngoại giao của Đại học Hawaii Pacific, cho biết: “Đây là một trò nắn gân để xem chính quyền (Biden) sẵn sàng làm gì”.
Ông Schuster cho biết: “Cách phản ứng của Hoa Kỳ sẽ quyết định chiêu trò nắn gân tiếp theo sẽ như thế nào. Hiện tại, mọi thứ chúng tôi (Mỹ) làm đều mang tính khoa trương hơn là thực chất”.
Rắc rối ở Tổng thống Philippines Duterte
Theo Bloomberg: “Một rắc rối lớn khác đối với ông Biden là nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte, người đã phá hoại liên minh (Mỹ-Philippines) trong khi ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.”
Ông Rommel Ong, một đô đốc đã nghỉ hưu trong Hải quân Philippines, hiện là giáo sư tại Trường Chính phủ thuộc Đại học Ateneo de Manila, cho biết: “Chừng nào Tổng thống Duterte còn nắm quyền, thì Hải quân (Philippines) có rất ít phương án lựa chọn”.
Ông cho rằng Philippines sẽ chỉ phản đối Trung Quốc ở mức độ tuyên bố ngoại giao thông qua phương tiện truyền thông xã hội.
Philippines sẽ chỉ phản đối chiếu lệ
Ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Malaysia, cho rằng Mỹ giờ “không còn quá ngây thơ” sau vụ Bãi cạn Scarborough. Vụ việc này “đã gây ra thiệt hại to lớn cho uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á”, ông cho biết.
Trong khi một số quan chức cứng rắn của Philippines mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, ông Duterte vẫn im lặng về sự xuất hiện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu. Còn Mỹ thì vẫn đang cân nhắc tình hình.
Ông Lockman nói: “Người Mỹ đang do dự xem có nên can dự vào vấn đề này hay không; và không biết liệu họ có bị đổ lỗi cho tình hình căng thẳng leo thang hay không. Đó là một khả năng thực sự có thể xảy ra với giới lãnh đạo thất thường ở Manila”.
Vì vậy, theo ông Lockman: Philippines chỉ có thể “phản hồi một cách chiếu lệ” đối với tình trạng chiếm đóng của Trung Quốc.