Các chuyên gia cho rằng khả năng Trung Quốc đã tập trận bắn tên lửa đạn đạo vào mô hình máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Tuy nhiên có chuyên gia không đồng ý với ý kiến này.
Trung Quốc đã phá hủy một vật thể có hình dạng giống máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại một vùng sa mạc ở Tân Cương. Nikkei Asia đã phân tích các bức ảnh vệ tinh cùng với các chuyên gia và kết luận: Vật thể này có thể đã được sử dụng cho hoạt động huấn luyện tấn công tên lửa vào các mục tiêu giả định ở Nhật Bản.
Nikkei đã kiểm tra các bức ảnh chụp từ vệ tinh của Planet Labs, một nhà điều hành vệ tinh có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các bức ảnh chụp cho thấy vào giữa tháng 5 có một vật thể có hình dạng giống chiếc E-767 của Nhật Bản. Một bức ảnh khác vào ngày 13/7 cho thấy vật thể này đã bị phá hủy. Có các mảnh vỡ và vết cháy đen tại vị trí của chiếc máy bay.
Hiện chưa rõ Trung Quốc phá hủy mô hình này vào ngày nào. Các bức ảnh cho thấy nó vẫn còn nguyên vẹn vào ngày 2/7. Tuy nhiên, sau đó có một số ngày mà Planet Labs không chụp ảnh vì lý do thời tiết.
Giới phân tích cho rằng mô hình máy bay có thể đã bị phá hủy vào đầu tháng 7. Đây là lần đầu tiên một vật thể mô phỏng máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bị phá hủy.
Khu vực sa mạc này do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Ngoài mô hình máy bay Nhật Bản, còn có các vật thể có hình dáng giống tàu chiến và tàu sân bay Mỹ.
Mô hình máy bay Nhật Bản trúng tên lửa hay bị đốt?
Ông Jeffrey Lewis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey và là một chuyên gia quân sự phân tích các bức ảnh vệ tinh, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận một cách khá chắc chắn rằng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo”.
Ông Tom Shugart, trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cũng cho biết khả năng Trung Quốc đã dùng tên lửa để phá hủy mô hình máy bay Nhật Bản.
Ông nói rằng khả năng mô hình máy bay là để “kiểm tra khả năng nhận biết và tấn công các máy bay có giá trị cao của một đầu đạn tên lửa”. Dường như cuộc thử nghiệm đã thành công, do đó “việc triển khai một loại vũ khí như vậy có thể cải thiện khả năng tấn công chủ lực của quân đội Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Kiyofumi Iwata, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, không đồng ý với nhận định đó. Ông cho biết vật thể sau khi bị phá hủy vẫn mang hình dáng máy bay, nên khả năng nó bị đốt, chứ không phải bị tên lửa bắn trúng.
Nếu như vật thể máy bay không phải do tên lửa bắn trúng, mà chỉ là một màn phóng hỏa của chính quyền Trung Quốc, thì điều đó không khẳng định rằng nước này có tiến bộ trong việc tấn công các vật thể bằng tên lửa đạn đạo.
Vụ phá hủy mô hình máy bay Nhật Bản diễn ra vào đầu tháng 7, trùng với khoảng thời gian Trung Quốc và Nga tiến hành các hoạt động quân sự gần Nhật Bản. Vào ngày 4/7, các tàu hải quân của Trung Quốc và Nga đã đi vào vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku. Hai nước có thể đang tăng cường thể hiện vũ lực với Nhật Bản về tình hình ở Ukraine và Đài Loan, theo Nikkei.