Việc Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu định vị các tàu hàng cho thấy dấu hiệu nước này có kế hoạch sử dụng vận tải thương mại cho mục đích quân sự. Điều này không chỉ mang đến lợi ích cho tội phạm mà còn tạo ra đe dọa đối với thương mại và hòa bình thế giới. Đó là nhận định của ông Anders Corr -Tiến sĩ tại Đại học Harvard, người đứng đầu Corr Analytics Inc, trên tờ The Epoch Times.
Trung Quốc “cố tình” tắt định vị tàu biển
Tiến sĩ Anders Corr cho hay các tàu vận tải của Trung Quốc đang đột ngột “biến mất” hàng loạt khỏi các hệ thống theo dõi trên thế giới. Điều này có thể gây nguy hiểm cho vận tải hàng hải, đồng thời khiến nhà quản lý chuỗi cung ứng và điều phối viên vận tải đau đầu khi lập bản đồ các luồng vận tải ở các cảng của Trung Quốc với dữ liệu không đầy đủ.
Nguyên nhân Bắc Kinh tắt định vị tàu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, cho rằng gián điệp đang sử dụng dữ liệu của họ. Động thái này cho thấy họ sẽ tiếp tục sử dụng bất hợp pháp đội tàu thương mại cho các mục đích quân sự. Bên cạnh đó, việc tắt định vị tàu cũng có thể giúp ích cho các đội tàu đánh cá trái phép khổng lồ của Trung Quốc khi hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác.
Bắc Kinh đã triển khai chiến lược khẳng định chủ quyền thông qua chiến thuật “vùng xám” và “cây bắp cải”, huy động lực lượng dân quân biển cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, giả dạng tàu cá bao quanh các đảo mà họ định chiếm đóng.
Gây sốc hơn nữa, chiến lược phóng tên lửa từ hàng container của Bắc Kinh được cho là vi phạm Luật Tác chiến Hải quân.
Bắc Kinh kích động tội phạm, đe dọa hòa bình và thương mại
Theo ông Corr, hệ thống nhận diện tự động (AIS) cung cấp dữ liệu vị trí tàu thuyền trên thế giới giúp theo dõi, tổ chức logistic và đảm bảo an toàn hàng hải. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tắt các thiết bị thu AIS trên bờ và các thiết bị phát trên tàu, để tạo điều kiện cho hành vi xâm lược quân sự hoặc đánh cắp các nguồn lực kinh tế trong EEZ của nước khác. Điều đó không chỉ là phi đạo đức mà còn có thể vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu AIS sẽ hạn chế hiểu biết của công chúng về tội phạm do nhà nước bảo trợ.
Cuộc đàn áp an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh nhằm chống lại việc chia sẻ dữ liệu với bên ngoài sẽ tạo điều kiện cho nước này sử dụng vận tải thương mại cho các mục đích tội phạm và quân sự. Đạo luật Bảo vệ Thông tin cá nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ ) đang gây ảnh hưởng đến khả năng hiển thị các tàu gần bờ biển nước này, được coi là gây nguy hiểm đối với vận chuyển, và mang đến lợi ích cho tội phạm, đồng thời đe dọa thương mại và hòa bình.
Luật mới yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải nhận được sự phê chuẩn của Bắc Kinh trước khi để thông tin cá nhân “rời” khỏi Trung Quốc. Quy định này nêu bật nỗi lo của Trung Quốc, theo đó những dữ liệu nhạy cảm như thế có thể rơi vào tay chính phủ nước ngoài.
Bắc Kinh làm suy yếu việc cung cấp dữ liệu hàng hải thương mại
Số lượng tín hiệu AIS từ các tàu trong vùng biển Trung Quốc giảm mạnh từ 15 triệu (tháng 10) xuống còn 1 triệu (tháng 11) mỗi ngày do lo ngại gián điệp, điều này dường như đang thúc đẩy cuộc đàn áp của ĐCSTQ.
Trạm thu AIS nằm dọc theo đường bờ biển và đường thủy nội địa của Trung Quốc, vốn được sử dụng để truyền dữ liệu vị trí của các tàu lân cận hàng chục lần mỗi phút, giờ hầu hết đều dừng hoạt động. Điều này buộc cộng đồng quốc tế phải dựa vào dữ liệu vệ tinh chỉ cung cấp vị trí của một nhóm nhỏ các tàu được trang bị tốt, ít cập nhật thường xuyên hơn nhiều.
Nhà phân tích tình báo hàng hải Jean-Charles Gordon của Lloyd’s List cho biết: “chúng tôi chỉ nhận được một vài điểm dữ liệu mỗi giờ từ vệ tinh so với mặt đất, vốn thu thập dữ liệu vài giây một lần”.
Việc không cung cấp một sân chơi đồng đều cho các công ty vận tải nước ngoài sẽ khiến họ gặp bất lợi trên thị trường vận tải biển Trung Quốc. Hành động này vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Corr bình luận.
Việc hàng loạt tàu tại Trung Quốc “biến mất” làm gia tăng căng thẳng quốc tế
Giảm hiển thị các tàu thương mại trên vùng biển Trung Quốc là hậu quả của hành động xâm lược quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
ĐCSTQ đã cố gắng che giấu các hoạt động quân sự của mình đằng sau các tàu đánh cá được gia cố bằng thép mà thực chất là lực lượng dân quân hàng hải và hải quân Trung Quốc. Điều này đã khiến quốc tế tăng cường giám sát các tàu Trung Quốc, bao gồm cả việc kiểm tra dữ liệu AIS từ các tàu dân quân.
Có lẽ điều này giải thích tại sao Trung Quốc là quốc gia duy nhất coi việc công bố dữ liệu AIS là mối đe dọa an ninh quốc gia. Sự biện minh về an ninh quốc gia đã dẫn đến chính sách bảo mật thông tin của Bắc Kinh quá mức khiến xuất nhập khẩu sang Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của mình dường như đang ở trong một vòng xoáy của sự bất an và lo sợ, từ đó làm tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự.
“Những gì mà Trung Quốc vừa làm là tồi tệ, đi ngược lại xu hướng toàn cầu về các thông lệ và tiến bộ tốt nhất, phá hoại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế dưới thời Tập Cận Bình”, theo một nguồn tin quân sự giấu tên của Mỹ.