Site icon MUC News

Truy xuất nguồn gốc trái cây Việt bằng QR code: Minh bạch hóa thị trường, lan tỏa niềm tin hàng Việt

Người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin sản phẩm qua quét mã QR code. Ảnh: daibieunhandan

Sáng 23.4, tại Hà Nội, Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chính thức khai mạc Phòng trưng bày chuyên đề “Tinh hoa trái cây Việt”, ứng dụng mã QR để giúp người tiêu dùng truy vết nguồn gốc sản phẩm một cách rõ ràng và tiện lợi.

Không gian trưng bày đặt tại số 62 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ mở cửa miễn phí đến hết ngày 27.4.2025, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý. Tại đây, mỗi loại trái cây đặc sản được gắn mã QR code giúp người tiêu dùng tra cứu ngay các thông tin quan trọng như nguồn gốc, vùng trồng, quy trình canh tác, bảo quản và địa chỉ bán hàng chính hãng.

Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước Trần Hữu Linh giới thiệu sản phẩm Thanh Long. Ảnh: daibieunhandan

QR code – “Chìa khóa” minh bạch hóa thị trường trái cây

Theo Cục trưởng Trần Hữu Linh, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc là bước đi cần thiết nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường đang đòi hỏi cao về tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và truy xuất rõ ràng.

“Truy vết qua QR code không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng an toàn, mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, phát triển vùng trồng và nâng cao giá trị trái cây Việt,” ông Linh nhấn mạnh.

Mận hậu Sơn La tại phòng trưng bày. Ảnh: daibieunhandan

Tôn vinh trái cây đặc sản từ khắp các vùng miền

Phòng trưng bày giới thiệu hàng chục loại trái cây đặc sản từ Tiền Giang, Long An, Sơn La, Bình Thuận… như xoài cát, sầu riêng, thanh long đỏ, mận hậu… Mỗi loại trái cây mang theo hương vị, bản sắc và câu chuyện văn hóa riêng biệt gắn liền với từng vùng miền đất nước.

Không gian được thiết kế hiện đại, sống động, không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm mà còn là cầu nối gặp gỡ giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách. Tại đây, các bên có thể trao đổi xu hướng thị trường, giải pháp phân phối, và nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt.

Bười da xanh Tiền Giang. Ảnh: daibieunhandan

Mở rộng tiêu thụ trong nước – Khai phá tiềm năng 100 triệu dân

Theo ông Linh, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành trái cây là khâu tiêu thụ. Trong khi xuất khẩu còn gặp nhiều rào cản, thì thị trường nội địa hơn 100 triệu dân lại là cơ hội lớn chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, việc kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh truyền thông về hàng Việt chất lượng cao là rất cần thiết.

“Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ trái cây và nông sản bằng các kênh kết nối thị trường phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng tầm nông sản Việt,” ông Linh chia sẻ thêm.

Theo: Daibieunhandan