Báo SCMP hôm 16/3 có bài báo lý giải “vì sao những người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar phẫn nộ với Trung Quốc?”.
Tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông cho biết một số nhà máy do Trung Quốc điều hành ở Myanmar đã bị những người biểu tình tấn công vào hôm 14/3.
Vụ tấn công xảy ra sau khi quân đội Myanmar nổ súng bắn chết hơn 20 người biểu tình ở khu vực Hlaingthaya của thành phố Yangon vào hôm 14/3. Ở khu Shwepyithar của thành phố này, 6 người khác đã bị quân đội bắn chết; nâng tổng số dân thường tử vong là hơn 100 người kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.
Sau khi xảy ra các vụ bắn chết dân thường, “đám đông giận dữ trang bị thanh sắt, rìu và xăng đốt cháy 32 nhà máy do Trung Quốc hậu thuẫn ở các thị trấn, gây thiệt hại 37 triệu USD và làm bị thương hai nhân viên”, SCMP trích dẫn tin từ Global Times, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các cuộc tấn công vào nhà máy Trung Quốc, cùng với áp lực từ đại sứ quán Trung Quốc, đã khiến quân đội Myanmar áp đặt thiết quân luật tại các khu phố vào tối 14/3. “Tuy nhiên các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sợ hãi và cho biết họ có thể sẽ tự trang bị vũ khí để tự vệ”, theo SCMP.
Sau vụ tấn công nhà máy, lực lượng an ninh Myanmar đã bắn chết ít nhất 42 người, theo thông tin từ một bác sĩ yêu cầu giấu tên hôm 15/3.
Nghi ngờ Trung Quốc đứng sau vụ đảo chính ở Myanmar
SCMP cho biết, sau khi xảy ra vụ đảo chính ngày 1/2, “làn sóng phẫn nộ chống Trung Quốc bùng nổ ở Myanmar”.
Những người biểu tình đã tập trung đông đảo bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ quyết nhằm ngăn chặn Liên Hợp Quốc đưa ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính. Thái độ của Bắc Kinh khiến giới quan sát nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đứng sau vụ đảo chính ở Myanmar.
Các cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã sôi sục trong những tuần gần đây. Trong số các mục tiêu của cuộc tẩy chay là trái cây Trung Quốc và điện thoại di động do Huawei sản xuất. Những người biểu tình cho rằng thiết bị của Huawei hỗ trợ quân đội Myanmar kiểm soát người dân thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Ngay cả các trò chơi điện thoại di động do các công ty Trung Quốc cung cấp cũng bị tẩy chay. Hàng nghìn người dùng đã xóa ‘Mobile Legends: Bang Bang’, do Moonton phát triển; và PUBG MOBILE của Tencent. Các ứng dụng như TikTok cũng đang bị người dân Myanmar gỡ bỏ.
Khả năng Trung Quốc kích động các vụ đốt phá nhằm tạo thêm rắc rối
“Nhiều người biểu tình tin rằng Trung Quốc hỗ trợ quân đội và lực lượng an ninh cũng như những kẻ kích động khác tiến hành phá hoại để kích động thêm rắc rối”, SCMP viết.
Hôm 14/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã đăng thông tin về nỗ lực bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar. Điều này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng Myanmar; dẫn đến 52.000 bình luận trong bài đăng của Đại sứ quán Trung Quốc.
“Thế thì sao? Người dân (Myanmar) còn đang chết đây này”, cư dân mạng Naing Oo viết.
Nhiều bình luận cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar hoặc những kẻ kích động khác gây ra vụ đốt phá nhà máy để tạo thêm rắc rối.
Một người dùng Facebook khác cho biết: “Trung Quốc đang nói về lợi ích của chính họ chứ không phải là những sinh mạng quý giá bị kết liễu trên đường phố Myanmar. Trung Quốc đứng về lợi ích của chính họ chứ không phải vì lợi ích của hàng triệu người dân Myanmar.”
Một người khác có tên Aye Myat Kyaw bình luận: “Nếu các vị muốn kinh doanh một cách hòa bình ở Myanmar, hãy tôn trọng người dân Myanmar. Ngừng hỗ trợ quân đội khủng bố và tham gia cùng người dân Myanmar.
Phẫn nộ vì ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar
Theo SCMP, một số chuyên gia nói rằng sự phẫn nộ của người Myanmar còn liên quan đến ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của Bắc Kinh đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Công chúng Myanmar đã phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc trước đây; nghi ngờ mục đích của Bắc Kinh và thất vọng về điều kiện làm việc của công nhân địa phương trong các nhà máy Trung Quốc.
Trung Quốc coi Myanmar là đối tác quan trọng trong tham vọng chiến lược đối với châu Á, cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhưng các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn từ lâu đã vấp phải sự phản kháng. Ví dụ, đập Myitsone trên sông Mekong đã bị phản đối trong nhiều năm.
Những người chỉ trích cho rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar là nhằm theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của chính Bắc Kinh; và không liên quan gì đến việc mang lại lợi ích cho người lao động bình thường ở Myanmar. Công nhân may mặc trong các nhà máy may mặc do Trung Quốc làm chủ chỉ kiếm được khoảng 5.000 kyat (khoảng 82 nghìn Việt Nam đồng) mỗi ngày.