Nhiều quốc gia nguy cơ rơi vào “bẫy nợ ngầm” Trung Quốc với số tiền lên tới 385 tỷ USD. Có tới 42 quốc gia mắc nợ công Trung Quốc vượt quá 10% GDP. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn tiếp tục lún sâu vào “bẫy nợ Trung Quốc”, theo Nikkei Asia.
Bẫy “nợ ngầm” Trung Quốc theo sáng kiến “Vành đai con đường” lên tới gần 390 tỷ USD với lãi suất “đắt đỏ”
Ngày 29/9, trung tâm nghiên cứu AidData tại Mỹ tiết lộ, Bắc Kinh đã cho các quốc gia khác vay lên tới 385 tỷ USD. Các khoản nợ này đã được che giấu khỏi tầm quan sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) và IMF thông qua cấu trúc khoản vay.
Theo báo cáo của AidData, Trung Quốc đã không minh bạch dòng vốn phát triển ở nước ngoài. Nước này đã không báo cáo các khoản cho vay này một cách có hệ thống và đầy đủ vào hệ thống báo cáo nợ của WB. Thay vì cho các tổ chức nhà nước vay, Bắc Kinh đã cho các công ty tư nhân ở các nước có thu nhập trung bình vay tiền thông qua các phương tiện chuyên dụng (SPV).
Điều này khiến các bên cho vay đa phương và các con nợ khó đánh giá chi phí và lợi ích của việc tham gia “Sáng kiến vành đai và Con đường – BRI”. Nó cũng làm tăng khả năng các con nợ rơi vào “bẫy nợ”. Họ chỉ có một cách để thoát ra bằng cách bán các tài sản quan trọng về địa chính trị cho Bắc Kinh.
Báo cáo của AidData cho thấy, các khoản vay của 42 quốc gia dưới hình thức BRI đã có mức nợ công Trung Quốc vượt quá 10% GDP.
Lào là quốc gia điển hình về việc mắc bẫy nợ Trung Quốc. Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào trị giá 5,9 tỷ USD do Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tài trợ. Khoản nợ này chiếm khoảng hơn 30% GDP của Lào và nó được tài trợ hoàn toàn bằng “nợ ngầm”.
Giám đốc điều hành của AidData, Bradley C. Parks cho biết, World Bank và IMF đã biết được vấn đề này.
Pakistan vay Trung Quốc với lãi suất “đắt đỏ”
Báo cáo của AidData cũng cáo buộc rằng, phần lớn nguồn tài chính phát triển của Trung Quốc ở Pakistan là các khoản cho vay “đắt đỏ”.
Theo báo cáo, Trung Quốc tài trợ cho Pakistan 50 tỷ USD theo chương trình Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần của BRI.
Từ năm 2000 – 2017, Trung Quốc đã giải ngân cho các dự án phát triển ở Pakistan 34,3 tỷ USD. Trong đó, khoảng 27,8 tỷ USD là các khoản vay thương mại chính thức với các ưu đãi hạn chế.
Báo cáo cũng chỉ ra, Trung Quốc cho Pakistan vay với lãi suất đắt đỏ khoảng 3,76%; thời gian ân hạn là 4,3 năm và đáo hạn là 13,2 năm. Lãi suất này đắt hơn so với các khoản vay do Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD-DAC) và các chủ nợ đa phương tài trợ cho Pakistan.
Trong khi đó, khoản vay của OECD- DCA có lãi suất là 1,1%, thời hạn trả nợ là 28 năm. Điều khoản này hào phóng hơn rất nhiều so với Trung Quốc tài trợ cho Pakistan, theo nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của AidData, Ammar Malik cho biết.
Tại sao Pakistan vẫn tiếp tục lún sâu vào bẫy nợ Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, các quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Pakistan bất chấp lãi suất cao từ các khoản vay do Trung Quốc tài trợ; vì chúng không xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của họ.
“Trong cuộc họp Ủy ban hợp tác chung (JCC) lần thứ 10 của CPEC gần đây, Pakistan đã quyết định không đàm phán lại các điều khoản của các dự án năng lượng khoảng 15 tỷ USD; nó được cho là đắt đỏ vì Pakistan cần nguồn tài chính của Trung Quốc”, một quan chức có liên kết với các dự án CPEC cho biết.
Vị này cho biết thêm, mặc dù các điều khoản của Pakistan không được ưu đãi nhưng họ sẽ tiếp tục dựa vào Trung Quốc để có nguồn tài chính cho các hoạt động phát triển. Bởi vì các quốc gia G-7 và các chủ nợ khác không hào phóng lắm khi hỗ trợ tài chính cho Pakistan.
Phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế Praha, Jeremy Garlick cho biết, Pakistan đang thiếu tiền mặt và đang tìm kiếm các khoản đầu tư trong nhiều năm qua.
Ông Garlick nói với Nikkei: “Các khoản vay của Trung Quốc khá đắt, nhưng Pakistan vẫn tích cực tìm kiếm”.