Theo Trung Quốc, các Viện Khổng Tử là “cầu nối củng cố tình bạn” giữa đất nước này và thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, một loạt trường đại học trên khắp thế giới đã đóng cửa các Viện Khổng Tử.
Tại Úc, thậm chí một cuộc điều tra đã được tiến hành để xem xét liệu các thỏa thuận giữa các trường đại học và Viện Khổng Tử có vi phạm luật chống nước ngoài can thiệp hay không. Gần đây nhất, Ấn Độ nối tiếp danh sách các nước lo ngại về việc các học viện này được sử dụng như một loại công cụ tuyên truyền chính trị của Trung Quốc.
Liệu các Viện Khổng Tử có đúng là “cầu nối củng cố tình bạn” như Bắc Kinh vẫn nói, hay đó là những “viên đạn bọc đường” nhằm xâm nhập và kiểm soát tự do ngôn luận tại các nền dân chủ trên thế giới?
Viện Khổng Tử của Trung Quốc là gì?
Viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới được thành lập vào năm 2004, và nhanh chóng mở rộng hoạt động tại các nước bên ngoài Trung Quốc. Viện này đã thu hút nhiều sự chú ý cũng như chỉ trích từ dư luận.
Được đặt tên theo Khổng Tử, nhà giáo dục, triết học nổi tiếng Trung Quốc (551 – 479 trước Công nguyên), các Viện Khổng Tử là tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Nhiệm vụ của các viện này chủ yếu là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các trường học trên khắp thế giới, nhằm thể hiện quyền lực mềm của chính quyền Trung Quốc.
Viện Khổng Tử tại Trường đại học Troy, Mỹ (ảnh: Wikimedia Commons). |
Theo BBC, tính đến cuối năm 2018 có 548 Viện Khổng Tử tại các trường đại học và 1.193 phòng học Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học trên toàn thế giới. Các Viện Khổng Tử là liên doanh giữa trường học của nước sở tại và Hanban, một cơ quan gây tranh cãi thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Tranh cãi về Viện Khổng Tử của Trung Quốc
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng các Viện Khổng Tử nhằm giúp người dân các nước hiểu rõ hơn về văn hóa Trung Hoa và là “cầu nối củng cố tình bạn” giữa Bắc Kinh và thế giới.
Trong khi nhiều người trên thế giới bị thuyết phục bởi tuyên bố của Trung Quốc, thì vào năm 2019, một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã chỉ rõ, các viện Khổng Tử là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc, chuyên kiểm duyệt các chủ đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm, đồng thời chỉ tuyển dụng các giáo viên thể hiện lòng trung thành với chính quyền Trung Quốc.
Một bài trên báo Foreign Policy cũng chỉ ra có bằng chứng cho thấy các tài liệu học tập của Viện Khổng Tử là bóp méo lịch sử, chẳng hạn bỏ qua “những thảm họa” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, như Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, v.v.
Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp các viện Khổng Tử gây ảnh hưởng quá mức và áp đặt kiểm duyệt. Ví dụ, tại một hội nghị ở Bồ Đào Nha vào năm 2014, người đứng đầu Hanban, Xu Lin, đã yêu cầu nhân viên loại bỏ thông tin liên quan đến Đài Loan ra khỏi một tài liệu. Tương tự, vào năm 2018, một diễn giả chính tại Đại học bang Savannah, Hoa Kỳ đã phải xóa các tài liệu tham khảo về Đài Loan khỏi tiểu sử của cô theo yêu cầu từ giám đốc Viện Khổng Tử của trường đại học.
Mối quan ngại toàn cầu
Giới quan sát bình luận rằng không có gì ngạc nhiên về việc các Viện Khổng Tử là một phần tham vọng mở rộng quyền lực mềm của chính quyền Trung Quốc.
Theo Reuters, một số trường đại học của Hoa Kỳ, trong đó có Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Chicago, đã cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử sau khi các giáo sư phàn nàn rằng các chương trình của Viện mang tính tuyên truyền cho Trung Quốc về văn hóa và giáo dục ngôn ngữ.
Vào tháng 2 năm 2019, các nhà điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cho biết các Viện Khổng Tử hoạt động như những cánh tay tuyên truyền được kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh, và vì vậy chúng phải thay đổi hoặc bị đóng cửa.
Vào tháng 8 năm 2019, bang New South Wales của Úc đã đóng cửa chương trình của Viện Khổng Tử khỏi các trường công lập của bang do lo ngại về khả năng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tại Châu Âu, Thụy Điển đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử vào tháng 5 năm 2020 trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và quốc gia Scandinavia đang xấu đi.
Tại Châu Á, theo Thời báo Ấn Độ, vào năm 2019, Ủy ban bảo trợ Đại học (UGC) đã yêu cầu các trường đại học cần xin chấp thuận của các cơ quan liên quan thuộc chính phủ, bao gồm cả Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao, trước khi ký kết bất kỳ thỏa thuận nào về việc thành lập Viện Khổng Tử. Vừa qua Ấn Độ tuyên bố đang xem xét lại sự hiện diện của các Viện Khổng Tử tại nước này, đồng thời cũng rà soát lại 54 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của hai nước Trung – Ấn.