Site icon MUC News

Việt Nam cần tháo giãn cách, chấp nhận sống chung với dịch

Việt Nam giãn cách trường kỳ sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế, theo nhận định của một số học giả (ảnh chụp màn hình Youtube).

Việt Nam giãn cách trường kỳ sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế, theo nhận định của một số học giả (ảnh chụp màn hình Youtube).

Một số học giả cho rằng Việt Nam cần mở cửa kinh tế trở lại; tháo dỡ các biện pháp giãn cách; và chấp nhận sống chung với dịch bệnh Covid-19.

https://cdn.mucnews.com/wp-content/uploads/2021/09/viet-nam-can-thao-gian-cach.mp3
Nghe audio bài viết: “Việt Nam cần tháo giãn cách, chấp nhận sống chung với dịch”

Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO) sáng nay (7/9) đăng bài phỏng vấn hai học giả Việt Nam về việc mở cửa nền kinh tế trở lại trong khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn.

Nền kinh tế Việt Nam không đủ sức giãn cách trường kỳ

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) và Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (ĐH RMIT Việt Nam) đều cho rằng việc mở cửa trở lại là việc cần thiết. Hai ông cũng cho rằng Việt Nam nên từ bỏ mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Vì nền kinh tế nhỏ như Việt Nam không đủ sức duy trì trường kỳ các biện pháp giãn cách xã hội.

Tiến sĩ Huân cho biết nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ giãn cách xã hội. Chuỗi cung ứng trong nước và thế giới đứt gãy; làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Ông Huân nói: “Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ cho người nghèo nhưng chính sách này không thể kéo dài mãi. Chưa kể, đã có dấu hỏi về việc tiền cứu trợ có đến được tay tất cả người nghèo đang gặp khó khăn hay không.”

Khi khó khăn tiếp diễn, nhiều người sẽ buộc phải đổ ra đường tìm miếng ăn. Điều đó có thể tạo ra nhiều hệ lụy và làm giảm hiệu quả chống dịch, theo ông Huân.

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp nói rằng một số nước đã quyết định mở cửa nền kinh tế trở lại, và chấp nhận sống chung với dịch virus corona.

Ông Hiệp nói: “Họ xác định mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng tuyệt đối là gần như không thể được và thiệt hại kinh tế do đóng cửa nền kinh tế kéo dài là quá cao, trả giá quá đắt.

Các ngành nào nên được mở cửa trước?

Tiến sĩ Hiệp cho rằng các ngành nghề nên được ưu tiên mở cửa trước bao gồm: Các chợ đầu mối; siêu thị; dịch vụ giao nhận; dịch vụ y tế; hành chính công. Ông cho biết đây là cá ngành ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Nếu các nhu cầu căn bản như ăn uống, khám bệnh của người dân không được thuận lợi thì người dân sẽ khó đồng hành hoạt động chống dịch.

Tiến sĩ nói: “Tiếp theo là các ngành sản xuất, khu công nghiệp đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế, cần được ưu tiên nhằm không gây gián đoạn nghiêm trọng thêm. Bởi khi người lao động bỏ về quê nhiều thì việc kêu gọi họ quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.”

Ông cho rằng các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về chính sách thuế; thuê nhà xưởng; chi phí logistics; hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho công nhân và người lao động. Sự hỗ trợ của chính phủ có thể giúp doanh nghiệp có thể tái khởi động sản xuất, góp phần làm bình ổn nền kinh tế sau gần 3 tháng gián đoạn nghiêm trọng.

Hôm 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam không thể mãi áp dụng các biện pháp phong tỏa; mà phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược; vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.