Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng vị thế “công xưởng thế giới” của nước này đang bị Việt Nam đe dọa, nhưng “không có gì phải lo lắng”.
SCMP đưa tin, tình trạng phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 ở Trung Quốc đang khiến nhiều đơn đặt hàng chuyển hướng sang Việt Nam. Xuất khẩu quý đầu tiên trong năm nay của Việt Nam đạt 88,58 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,9% so với năm trước, theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam. Tuy nhiên, việc Việt Nam có thể soán ngôi “cường quốc sản xuất” của Trung Quốc là điều bị “thổi phồng quá mức”, theo SCMP.
“Các ngành công nghiệp chắc chắn sẽ tập trung ở Đông Nam Á để tận dụng lợi thế về chi phí thấp hơn; nhưng chuỗi công nghiệp cấp cao của Trung Quốc sẽ vẫn quan trọng trong khu vực và hơn thế nữa”, bài báo dẫn ý kiến của giới phân tích.
“Không có gì phải lo lắng về việc các ngành sản xuất ở Trung Quốc đang chuyển hướng sang Đông Nam Á, bởi vì những ngành rời đi là thuộc chuỗi giá trị thấp”, Yao Yang, một nhà kinh tế và giảng viên Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh.
Giảng viên Yao nói thêm rằng: Dù có những lo ngại về khả năng sản xuất ngày càng tăng của Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ giữ danh hiệu “công xưởng của thế giới” trong ít nhất 30 năm.
Ông nói, việc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cho Đông Nam Á cho phép người tiêu dùng Trung Quốc hưởng lợi từ hàng hóa rẻ hơn, trong khi các ngành công nghiệp trong nước được giải phóng năng lực để có thể nâng cấp hệ thống.
Kết quả xuất khẩu tăng vọt của Việt Nam không gây ngạc nhiên, cũng không gây lo lắng cho các nhà sản xuất ở Quảng Đông (Trung Quốc) vì việc điều chuyển sản xuất công nghiệp ra nước ngoài đã diễn ra trong một số năm.
Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn kết nối với chính quyền tỉnh cho biết: “Ngành xuất khẩu của Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với Đồng bằng sông Châu Giang và chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng trong nước của chúng tôi, do đó xuất khẩu của chúng tôi cũng đang được hưởng lợi.
“Nếu xuất khẩu của Việt Nam được đóng góp bởi các ngành công nghiệp của Trung Quốc, thì đó cũng là một cách để tránh tranh chấp thương mại”, ông Peng cho biết thêm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chưa bằng một phần năm của Quảng Đông vào cuối năm 2021, trong khi dân số của nó là khoảng 78% của tỉnh Trung Quốc.
Tang Jie, giáo sư kinh tế và là cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, cho biết các ngành công nghiệp sẽ chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Ông Tang nói: “Thu nhập trung bình ở Việt Nam bằng khoảng một phần mười của chúng tôi, vì vậy [sự dịch chuyển] là không thể tránh khỏi, giống như các ngành công nghiệp khổng lồ xuất hiện trong quá trình cải cách kinh tế của chúng tôi”.
Ngoài Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng sẽ là những điểm đến phổ biến do có nguồn lao động giá rẻ, ông Tang nói thêm.
Việc Trung Quốc lo sợ mất danh hiệu “công xưởng thế giới” vào tay Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp do các xung đột địa chính trị, chẳng hạn như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chiến tranh Ukraine, theo SCMP.