Nước Mỹ vừa trải qua mùa hè kinh hoàng khi liên tiếp phải chứng kiến các vụ xả súng đẫm máu, và làm dấy lên các cuộc tranh luận giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Rằng nên hay không nên kiểm soát súng. Lý do những người Dân chủ cánh tả nói rằng họ muốn kiểm soát súng vì muốn chấm dứt đổ máu. Liệu thực tế có phải như thế không?
Các vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ
Một lần nữa, nước Mỹ lại bị sốc bởi vụ xả súng hàng loạt vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 ở Highland Park, ngoại ô Chicago, (bang Illinois), khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương.
Cảnh sát xác định Robert E. Crimo III, 22 tuổi, là kẻ tình nghi liên quan đến vụ xả súng. Crimo đã bắn ngẫu nhiên hơn 70 phát đạn từ một tầng thượng, sau đó hòa mình vào đám đông hoảng loạn để tẩu thoát trước khi bị cảnh sát bắt.
Vụ xả súng mới nhất này tiếp tục đè nặng lên tâm lý của người dân Mỹ, vốn vừa phải chứng kiến vụ xả súng kinh hoàng ở trường tiểu học Robb ở Uvalde (bang Texas) hôm 27/5, khiến 19 trẻ em và 2 người lớn thiệt mạng.
Theo Businessinsider, trong một tuyên bố hôm 4/7, Tổng thống Joe Biden đã đề cập tới vụ xả súng khi cho biết, ông “bị sốc bởi bạo lực súng đạn vô nghĩa”. Ông Biden cũng khẳng định “sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống lại nạn bạo lực súng đạn”.
Toàn bộ giới chính trị Mỹ đã lên án hành động giết người hàng loạt này. Nhưng sự thống nhất giữa họ nhanh chóng tan vỡ mỗi khi thảo luận cách chống lại bạo lực súng đạn.
Chia rẽ chính trị và xã hội ở Mỹ ngày càng trở nên gay gắt hơn, sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bãi bỏ một đạo luật giới hạn những người có thể mang súng nơi công cộng của New York. (New York Times)
Vì sao lại như vậy?
Đảng Dân chủ muốn kiểm soát súng
Lịch sử nước Mỹ hiện đại đã chỉ ra rằng, mỗi khi xảy ra bạo lực xả súng hàng loạt, những người ủng hộ quyền sử dụng súng và những người ủng hộ kiểm soát súng sẽ nắm bắt cơ hội để bảo vệ quan điểm và mục đích của họ. Lần này cũng không ngoại lệ.
Chỉ sau vài giờ vụ xả súng xảy ra tại bang Illinois, Thống đốc Dân chủ JB Pritzker của bang Illinois đã kêu gọi kiểm soát súng nhiều hơn nữa:
“Sẽ có những người nói rằng hôm nay không phải là lúc để nói về súng. Tôi đang nói với bạn rằng không có ngày nào tốt hơn và không có thời điểm nào tốt hơn ngay tại đây và ngay bây giờ”.
Các đảng viên Đảng Dân chủ khác cũng đã đăng Twitter yêu cầu kiểm soát súng trong vài giờ sau vụ xả súng.
“Cải cách luật về súng của chúng ta”, Dân biểu Đảng Dân chủ Mondaire Jones ở New York đã tweet.
“Cấm vũ khí quân sự trên đường phố của chúng ta”, Dân biểu Đảng Dân chủ Bill Pascrell ở New Jersey tweet.
Dân biểu Dân chủ Eric Swalwell của California còn gọi Hiệp hội Súng trường Quốc gia là tổ chức “xấu xa”, và là “tổ chức khủng bố” trên Twitter sau vụ xả súng hôm 4/7.
Cộng hòa – Dân chủ đấu khẩu
Ngày 5/7, dân biểu Eric Swalwell còn đổ lỗi cho hai dân biểu đảng Cộng hòa là Lauren Boebert và Marjorie Taylor Greene, khi so sánh 2 nghị sĩ này với tay súng bị nghi ngờ loạn trí Robert Crimo.
Ông Swalwell đã đăng một bức ảnh dân biểu Boebert cầm khẩu súng trường AR-15 để so sánh bức ảnh nghi phạm Robert Crimo. Ông tweet: “Hãy bắt đầu vẽ đường.”
Đáp lại, dân biểu đảng Cộng hòa Lauren Boebert so sánh mối quan hệ “tình cảm” của nghị sĩ Swalwell với một nữ gián điệp Trung Quốc bị tình nghi tên là Christine Fang.
Trong khi ấy, dân biểu Marjorie Taylor Greene cũng đáp trả rằng: “Ông không có khả năng đi đường thẳng”. Hàm ý nhắc nhở nghị sĩ Swalwell rằng, ngay cả khi bang Illinois có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt thì cũng không ngăn được bạo lực súng đạn. Và vụ xả súng của nghi phạm Crimo ngày 4/7 vừa qua tại bang Illinois là một ví dụ.
Thời điểm nghị sĩ Swalwell tweet so sánh hai dân biểu Cộng hòa ủng hộ quyền sử dụng súng, cho thấy mối quan tâm của ông là tạo ra một thông điệp chống quyền sở hữu súng, bác bỏ quan điểm của những người Cộng hòa cánh hữu, hơn là an ủi gia đình nạn nhân hay những người bị ảnh hưởng trong vụ xả súng hàng loạt hôm 4/7 vừa qua.
Nghị sĩ Swalwell cũng chọn cách đổ lỗi cho các đại diện của đảng Cộng hòa – những người ủng hộ Tu chánh án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ, hơn là sự điên rồ của một thanh niên đang gặp rắc rối về mặt tâm lý.
Luận điểm quan trọng không thể bỏ qua
Có một thực tế là, mỗi khi xảy ra các vụ trọng án về súng, trọng tâm của mọi cuộc tranh luận về bạo lực súng đạn thường xoay quanh câu hỏi là: Liệu “vũ khí tấn công” như súng trường AR-15 được sử dụng trong vụ giết người ở trường tiểu học tại Uvalde (Texas) hồi tháng 5 có nên bị cấm sử dụng trong mục đích dân sự hay không?
Các nhóm kiểm soát súng muốn cấm bán vũ khí như súng trường AR-15 cho dân thường, vì cho rằng loại vũ khí này khiến người sử dụng có nguy cơ giết người hàng loạt nhiều nhất.
Tất nhiên quan điểm này bị phản đối mạnh mẽ bởi những người ủng hộ quyền sử dụng súng. Bởi họ tin rằng, yếu tố con người mới quyết định việc gây tội ác, và không nên loại trừ một loại vũ khí cụ thể nào khỏi quyền sở hữu và mang theo vũ khí của người dân.
Tuy nhiên cả hai phía lập luận đều bỏ sót một điểm quan trọng:
Con số thực tế
Dữ liệu nghiên cứu của Pew vào tháng 2/2022 cho thấy, trong tổng số 45.222 người chết vì vết thương do súng gây ra vào năm 2020, chỉ có hơn 1% số người chết vì các vụ xả súng hàng loạt (513 người). (NPR)
Vấn đề đặt ra là: Ngay cả khi 513 người có thể được cứu khỏi các vụ xả súng bằng cách cấm một số loại vũ khí như súng trường AR-15 chẳng hạn, thì chỉ riêng lệnh cấm “vũ khí tấn công” AR-15 sẽ không giúp giảm đáng kể tổng số người chết vì súng (45.222 người).
Nhiều người cho rằng số người chết vì súng khá cao ở Mỹ là do các vụ xả súng hàng loạt, vốn thường xuyên nhận được sự quan tâm của truyền thông dòng chính Mỹ. Nhưng các con số thực tế cho thấy, các vụ xả súng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các vụ tử vong do súng ở Mỹ. Thay vào đó, gần 2/3 (63%) số ca tử vong vì súng ở Mỹ vào năm 2019 là do tự tử.
Thêm nữa, các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn có thể làm giảm số vụ tự tử liên quan đến súng, nhưng sẽ không thể thay đổi tổng số người chết vì tự sát.
Vì sao? Đơn giản là bạn không thể thay đổi “ý chí” muốn tự sát của một người bằng cách loại bỏ một công cụ hỗ trợ tự sát là súng. Không có súng vẫn có công cụ khác để có thể thay thế.
Mặc dù người Mỹ sở hữu gần một nửa số súng tư nhân trên toàn thế giới, nhưng chỉ có 15% tổng số ca tử vong liên quan đến súng xảy ra ở Mỹ vào năm 2019: 37.000 người ở Mỹ so với 250.000 người trên toàn thế giới. (Worldpopulationreview)
Theo Pew, tỷ lệ tử vong do súng của Mỹ là 10,6/100.000 người vào năm 2016 (năm gần nhất trong cuộc nghiên cứu năm 2018 trên 195 quốc gia và vùng lãnh thổ). Và Mỹ chỉ đứng thứ 20 về tỷ lệ tử vong do súng trong năm đó.
Con số này cho thấy: Người Mỹ sở hữu súng nhiều nhất trên thế giới, không đồng nghĩa với việc số người Mỹ chết vì súng cao hơn thế giới.
Tuy nhiên, những con số trên không phủ nhận sự tồn tại về tỷ lệ giết người ở Mỹ cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.
Ấn Độ, Thụy Sĩ sở hữu súng cao nhất nhì thế giới
Lấy Ấn Độ để so sánh, Ấn Độ sở hữu số lượng súng tư nhân cao thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong liên quan đến súng của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Mỹ và thế giới, với tỷ lệ là 0,28/100.000 người, xếp hạng thứ 61 trên thế giới vào năm 2019. (Worldpopulationreview)
Cũng vậy, Thụy Sĩ có tỷ lệ sở hữu súng nhiều trên thế giới, với khoảng 2 triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân/8,3 triệu dân. Năm 2016, cả nước có 47 vụ giết người bằng súng. Tỷ lệ tử vong liên quan đến súng chỉ là 3,01/100.000 người (2019). (businessinsider)
Có khá nhiều yếu tố cho thấy, việc một quốc gia sở hữu súng nhiều trên thế giới, không cứ phải là quốc gia có số người tử vong vì súng nhiều nhất. Có nhiều lý do để lý giải cho điều này, bởi còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố giáo dục và văn hóa của mỗi quốc gia.
Liệu các biện pháp kiểm soát súng cứng rắn hơn có thích hợp với những công dân tuân thủ luật pháp? Và liệu có kiểm soát được tội phạm hay những kẻ rối loạn tâm thần?
Các nhà lập pháp Mỹ theo cánh hữu có quan điểm rằng: Rằng việc kiểm soát súng theo quan điểm của phe thiên tả, liệu các công dân Mỹ có nên dựa nhiều hơn vào quyền lực công để bảo vệ an toàn cá nhân, trước phản ứng kém cỏi của cảnh sát trong vụ xả súng ở Uvalde tại bang Texas?
Súng là nguồn cơn gây ra tội ác?
Nhìn chung tại Mỹ, những người theo cánh tả có quan điểm rằng, cần phải kiểm soát súng bởi vì tội phạm có phương tiện để gây ra tội ác. Nhưng Thụy Sĩ, Ấn Độ là hai quốc gia sở hữu súng chỉ sau Mỹ, nhưng tỷ lệ tội phạm súng lại rất thấp.
Vậy nếu cứ theo lập luận rằng súng là nguồn cơn gây ra tội ác, vậy ở đâu có mật độ súng dày đặc nhất? Tất nhiên là các điểm nóng chiến tranh, các căn cứ quân sự hay sở cảnh sát… Đây là những nơi mà người sở hữu vũ khí được huấn luyện chuyên nghiệp để tiêu diệt đối phương, và được trang bị nhiều súng ống, đạn dược và các loại vũ khí sát thương khác.
Vậy phải chăng những người sở hữu vũ khí hợp pháp này đều “dễ dàng” giết người. Tuy nhiên tỷ lệ giết người trong các nhóm lực lượng có vũ trang 24/7 này hầu như bằng 0. Vì sao? Đơn giản vì họ tuân thủ kỷ luật và pháp luật.
Điều đó cho thấy, súng chỉ là phương tiện để hành ác, chứ không phải là chủ thể hành ác.
Lịch sử của nước Mỹ là lịch sử của sự vươn lên không ngừng, từ một liên bang lỏng lẻo gồm 13 tiểu bang đang đứng trước nguy cơ tan rã và nội chiến, đã trở thành một nhà nước liên bang hùng mạnh nhất thế giới ngày nay.
Tất cả các sử gia đều cho rằng, một trong hai văn bản quan trọng nhất (ngoài bản Tuyên ngôn Độc lập – 1776) làm nền tảng tạo nên sự hùng mạnh của nước Mỹ, chính là bản Hiến pháp Mỹ (1787).
Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ ghi nhận: “Vì một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết cho an ninh của một đất nước tự do, quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm.”
Cách đây 235 năm, 55 đại biểu xuất sắc được 13 tiểu bang cử làm đại diện đến tham dự Hội nghị Liên bang với nhiệm vụ sửa đổi và bổ sung những điều khoản cần thiết cho Hiến pháp đương thời – còn gọi là Điều khoản Liên bang, đã kiên định rõ ràng khi đề cập đến Quyền sở hữu và mang theo vũ khí.
Vì sao những Người cha Lập quốc khi ấy đã viết nên Tu chánh án thứ hai này, và cho đến nay vẫn còn thiết thực đối với nước Mỹ?
Mời độc giả đón xem kỳ 2.